Sức khỏe

Đak Đoa chủ động phòng-chống bệnh sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rút kinh nghiệm trong công tác phòng-chống dịch bệnh từ năm trước, ngay từ đầu năm 2017, huyện Đak Đoa đã chủ động triển khai công tác phòng-chống bệnh sốt xuất huyết, không để lây lan thành dịch.

Phun hóa chất diệt muỗi. Ảnh: Thu Hoài

Trong năm 2016, trên địa bàn huyện Đak Đoa đã ghi nhận 820 người mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng đột biết so với các năm trước và số người mắc bệnh tập trung nhiều ở thị trấn Đak Đoa và các xã Tân Bình, Kdang, Nam Yang. Tuy không có trường hợp nào tử vong do sốt xuất huyết, nhưng nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân.

Bước sang năm 2017, để chủ động trong công tác phòng-chống bệnh sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, ngay từ những tháng đầu năm, cùng với việc có văn bản chỉ đạo cho các xã và các ngành chuyên môn, tích cực tuyên truyền, vận động và hướng dẫn cho các hộ dân ở tất cả các xã, thị trấn, thực hiện các biện pháp phòng-chống bệnh sốt xuất huyết, UBND huyện đã xuất ngân sách dự phòng trên 203 triệu đồng cấp hỗ trợ cho Trung tâm Y tế huyện để mua 363 lít hóa chất và tổ chức phun chủ động phòng-chống bệnh sốt xuất huyết ở 4 xã trọng điểm có các ổ dịch trong năm 2016 là thị trấn, Kdang, Tân Bình, Nam Yang.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế huyện cũng đã chủ động mua hóa chất và tiếp nhận hóa chất từ tỉnh chuyển về để tiến hành phun ở những điểm có bệnh sốt xuất huyết mới phát sinh. Đến nay, việc tổ chức phun hóa chất chủ động đợt I ở các xã trọng điểm có ổ dịch từ năm trước đã thực hiện xong, với tỷ lệ phun hóa chất đạt gần 97% số hộ cần phun.

Ông Vũ Chí Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Đoa cho biết: “Ngay khi bước vào mùa mưa, trung tâm y tế huyện đã tham mưu cho UBND huyện  tổ chức lễ phát động ra quân diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng-chống sốt xuất huyết và xin kinh phí từ huyện để mua hóa chất và tổ chức phun hóa chất chủ động trong những vùng nguy cơ cao. Để làm tốt công tác phòng-chống sốt xuất huyết thì Trung tâm Y tế huyện sẽ  tiếp tục tổ chức vận động nhân dân vệ sinh môi trường để phòng-chống dịch bệnh, đồng thời giám sát chặt chẽ tại cộng đồng để xử lý kịp thời khi có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết và xử lý triệt để các ổ dịch để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh sốt xuất huyết”.

Cùng với việc tổ chức phun hóa chất chủ động, UBND huyện đã chỉ đạo cho các xã, thị trấn trong huyện tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, tổ chức phát quang bụi rậm trong khu dân cư và vận động các hộ gia đình, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện ngủ mùng, không để muỗi đốt và tự giác thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng (bọ gậy), không để muỗi phát sinh, khống chế không cho dịch bệnh sốt xuất huyết lan rộng và hạn chế tỷ lệ người mắc bệnh.

Nhờ chủ động trong công tác phòng-chống dịch bệnh, nên bệnh sốt xuất huyết không còn xảy ra nhiều như năm trước. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện mới chỉ ghi nhận 36 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, bằng 1/10 so với số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cùng kỳ năm trước. Hiện nay, thời tiết đang là giữ mùa mưa, độ ẩm cao, nguồn nước đọng nhiều sẽ là môi trường để muỗi gây bệnh dễ sinh sôi, nảy nở và nguy cơ phát dịch bệnh cao, vì vậy cùng với sự chủ động của các cơ quan chuyên môn trong công tác phòng-chống dịch bệnh thì các hộ dân cũng cần phải chủ động trong việc thực hiện các biện pháp để loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, như: thường xuyên dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải xung quanh nhà; đậy kín các dụng cụ chứa nước không để muỗi vào đẻ trứng và thực hiện các biện pháp phòng-chống muỗi đốt, không để bệnh sốt xuất huyết phát sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người.

Thu Hoài

Có thể bạn quan tâm