Đak Đoa: Hướng tới giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông qua việc thực hiện các dự án, chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Đak Đoa những năm qua đã có nhiều đổi mới, đời sống của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt.

Thoát nghèo từ nội lực

Được Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Đoa hỗ trợ gần 7 triệu đồng, mới đây gia đình ông Hmuk (xã Hà Bầu) đã vay mượn thêm họ hàng mua được 2 con bò cái sinh sản. Ông Hmuk vui mừng nói: “Tôi được hỗ trợ mua 1 con bò cái sinh sản, nếu chỉ nuôi 1 con thì thấy phí công chăm sóc nên gia đình vay mượn thêm bà con trong dòng họ mua thêm 1 con nữa. 2 con bò giống đã đẻ được 2 con bê, gia đình mừng lắm. Tôi dự định nuôi thêm thời gian nữa thì bán đi để sửa lại nhà”.

 

Anh Yưh (làng Đak Kông, xã A Dơk) bên chiếc ô tô trị giá gần 300 triệu đồng mới mua. Ảnh: Đ.Y
Anh Yưh (làng Đak Kông, xã A Dơk) bên chiếc ô tô trị giá gần 300 triệu đồng mới mua. Ảnh: Đ.Y

Từ một hộ nghèo, nhờ vào nguồn vay tín dụng và nỗ lực của bản thân, giờ đây gia đình anh Yưh đã là một trong những hộ giàu nhất thôn Đak Kông (xã A Dơk). Gia đình anh hiện đang sống trong căn nhà xây kiên cố, có xe ô tô con, máy cày, máy phụt lúa hiện đại, mỗi năm làm ra nửa tỷ đồng. Anh Yưh cho biết: “Mới đầu mình mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ nguồn vay tín dụng cho hộ nghèo mua xe công nông chở nông sản thuê cho bà con. Còn lại ít vốn mình đầu tư mua phân bón chăm sóc 1,7 ha cà phê và 5 sào lúa. Nhờ đó, cà phê, lúa cho năng suất cao. Có vốn, mình lại đầu tư mua máy cày ruộng, máy phụt. Làm xong việc của gia đình, mình đi làm thuê cho bà con. Gia đình mình đã thoát nghèo, vươn lên hộ khá. Bây giờ, thấy bà con trong thôn có nhu cầu đi lại nhiều, nhất là khi gia đình có người đau ốm phải chạy đôn chạy đáo đi thuê xe, mình mới mua thêm xe ô tô gần 300 triệu đồng để vừa phục vụ việc đi lại của gia đình vừa chở thuê khi bà con trong thôn có nhu cầu”.

Ông Lê Trọng Đoàn-Chủ tịch UBND xã A Dơk cho biết: “Công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Những năm qua, nhờ chính sách hỗ trợ của Nhà nước cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, hy vọng công tác giảm nghèo trên địa bàn xã sẽ tiếp tục đạt kết quả khả quan”.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Với nhiều chính sách, chương trình được triển khai đồng bộ, thời gian qua, huyện Đak Đoa đã đầu tư nhiều nguồn kinh phí góp phần cải thiện đáng kể và nâng cao chất lượng cuộc sống hộ nghèo ở các xã, thị trấn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn. Riêng trong năm 2017, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã đầu tư 5 công trình với tổng mức đầu tư trên 3,9 tỷ đồng. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ hộ nghèo trên 13 tỷ đồng. Hiện số hộ nghèo trên địa bàn huyện Đak Đoa còn 3.657 hộ (chiếm 14,46%), trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 3.369 hộ (chiếm 91,85%). Số hộ cận nghèo 1.651 hộ (chiếm 6,52%), trong đó hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 1.361 hộ (chiếm 82,43%).

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đức Hòa-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Đak Đoa, cho biết: Để đạt được kết quả này, nhiều năm qua, huyện đã giao Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phối hợp với các ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan lồng ghép nhiều chương trình hỗ trợ hộ nghèo; đồng thời triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững để giúp các hộ cùng nhau học tập, vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, tỉnh ta đã sáp nhập 2 chương trình mục tiêu lớn của quốc gia đó là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững thành Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, huyện cũng đã phân công từng cơ quan, ban ngành phụ trách từng lĩnh vực theo đa chiều. Bên cạnh đó, huyện luôn chủ động tập trung tuyên truyền vận động người nghèo ý thức tự vươn lên, mạnh dạn vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm, nỗ lực thoát nghèo bền vững.

Tin rằng với những giải pháp nỗ lực giảm nghèo bền vững của huyện Đak Đoa, việc hoàn thành mục tiêu từ nay đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo (bình quân mỗi năm khoảng 4-5%, theo chuẩn đa chiều) sẽ không là vấn đề khó đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm