Ngườ ’Mông sống tại xã Đak Nuê, biệt lập giữa núi rừng. |
Các địa phương đã vận động đồng bào vào tái định cư tại các điểm quy hoạch được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, điện lưới quốc gia, trường học, trạm xá, chợ, các khu sản xuất nông, lâm nghiệp.
Tại xã vùng sâu Đak Nuê (huyện Lak) có trên 165 hộ gia đình đồng bào dân tộc H’Mông di cư đến ngoài kế hoạch vào sâu trong rừng, phá rừng, lấn chiếm, mua bán đất rừng, lập các khu dân cư trái phép tại các tiểu khu 1.407, 1.409, 1.415, 1.388 của Công ty Lâm nghiệp Lak từ những năm 2007-2009.
Cuộc sống của đồng bào nơi đây là sản xuất tự cung tự cấp, không điện, không đường, không trường học, trạm xá... cách xa khu dân cư hàng chục km đường rừng.
Đak Lak đã đầu tư gần 27,5 tỷ đồng tiến hành quy hoạch, làm hệ thống đường giao thông nối từ quốc lộ 26 đến trung tâm vùng dự án và các điểm dân cư mới được quy hoạch, đồng thời vận động, đưa đồng bào vào tái định cư trong các khu định canh, định cư mới này.
Hiện nay, dự án này đang tiến hành khảo sát xây dựng hệ thống điện lưới quốc gia, xây dựng trường học, trạm xá... phục vụ đời sống, sản xuất cho đồng bào.
Tuy nhiên, do thiếu nguồn vốn nên tỉnh Đak Lak vẫn còn bảy dự án định canh, định cư, với hàng chục điểm dân cư trái phép vẫn chưa triển khai thực hiện. Đời sống đồng bào ở các điểm dân cư trái phép này vô cùng khó khăn, chủ yếu là sản xuất tự cung tự cấp, phá rừng làm nương rẫy, nhiều tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đak Lak, từ năm 2006 đến nay, tỉnh có trên 8.245 hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở các tỉnh phía Bắc di cư đến ngoài kế hoạch, chủ yếu vào các địa bàn các huyện Ea Súp, Lak, Ma Đ’Rak, Krông Bông, Buôn Đôn và Ea H’Leo.
Theo TTXVN