TN - Đất & Người

Đắk Lắk: Nuôi thứ gà "tác phong lừ đừ" ăn cỏ như trâu, mào dài thõng thượt, bán 1 con to thu gần 2 triệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước đây, gia đình ông Nguyễn Tài Vàng (ở tổ 6, thôn 2, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chỉ nuôi giống gà ta thả vườn. Qua xem chương trình “Nhà nông làm giàu” trên truyền hình giới thiệu về một số trang trại nuôi gà lôi (còn gọi là gà tây) hiệu quả, ông Vàng quyết định nuôi thêm gà lôi.

Sau khi tìm hiểu thị trường và tham quan mô hình nuôi gà lôi ở huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) để học hỏi kinh nghiệm, ông Nguyễn Tài Vàng nhận thấy gà lôi có ưu điểm: tiêu tốn ít thức ăn, thịt nhiều nạc, thơm ngon, giá bán cao hơn hẳn gà ta với giá 180.000 đồng/kg. Một con gà tây nuôi 1 năm có trọng lượng lên tới 10-12kg.

 

Ông Nguyễn Tài Vàng, thôn 2, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) chăm sóc đàn gà lôi hay còn gọi là gà tây.


Vì vậy, từ đầu năm 2019, ông Vàng đầu tư mua 20 con gà lôi về nuôi trong vườn của gia đình. Trên diện tích chuồng nuôi sẵn có, ông cải tạo lại và căng lưới thép xung quanh vừa để bảo vệ đàn gà vừa tránh tình trạng gà bay, nhảy ra ngoài.

Trong chuồng, ông xây dựng máng ăn, máng uống nước cho gà tây bằng xi măng sạch sẽ. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau 8 tháng nuôi, đàn gà lôi của gia đình ông Vàng lớn rất nhanh, không bị bệnh, trọng lượng đạt trung bình 12 kg/con (đối với gà trống) và 7 kg/con (đối với gà mái).

Ông Vàng chia sẻ, ưu điểm của gà lôi là dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là lúa, bèo, cỏ, thân chuối băm trộn với bắp, ngoài ra có thể tận dụng thức ăn trong vườn nên chi phí cho thức ăn không nhiều.

Để gà lôi thả vườn sinh trưởng tốt, sau khi trứng gà ấp nở thành con, ông tách ra nuôi nhốt riêng và dùng bóng đèn úm cho gà con đến khoảng 30 ngày tuổi.

Trong thời gian này, ông tiêm vắc xin phòng bệnh định kỳ cho gà tây, đồng thời bổ sung thức ăn để gà tăng sức đề kháng. Khi gà lôi con được 35 - 40 ngày tuổi thì mới thả ra vườn.

Gà lôi nuôi khoảng 7 - 8 tháng có thể xuất bán. Nếu nuôi một năm, gà có thể đạt trọng lượng 10 - 12 kg. Gà mái có thể trọng nhỏ hơn, khoảng 8 tháng tuổi bắt đầu đẻ trứng, tỷ lệ nở đạt khá cao (trên 90%).

Hiện nay, số lượng gà lôi trong chuồng của gia đình ông Vàng khoảng 20 con, đàn gà ta 4.000 con. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 200 con vịt, 300 con ngan.

Mỗi năm gia đình ông Nguyễn Tài Vàng (thôn 2, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) còn xuất bán trên 3 lứa gà ta thương phẩm, với giá bình quân 65.000 - 70.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tiền lãi thu về khoảng 50 - 60 triệu đồng/lứa.  

Đến nay, ông Vàng đã xuất bán được 70 kg gà lôi, với giá bán 180.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 7 triệu đồng. Đó là chưa kể nguồn lợi khá từ bán gà lôi giống cho người dân gây nuôi tại địa phương và các vùng lân cận.

Theo ông Nguyễn Tài Vàng, mô hình nuôi gà lôi phù hợp với điều kiện chăn nuôi của nhiều hộ dân ở vùng nông thôn có đất rộng nhiều cỏ.

Ông Vàng cho biết: “Nếu phát triển quy mô chuồng trại khoảng 1.000 con gà lôi, mỗi lần xuất chuồng 100 con thì mô hình nuôi gà lôi này hứa hẹn sẽ đem lại thu nhập khá.

 


"Hiện nay, nhu cầu thị trường đối với loại gà lôi hay còn gọi là gà tây này là rất lớn nhưng gia đình tôi không đủ số lượng để cung cấp nên chủ yếu bán ở địa phương. Gia đình tôi đang gây đàn gà lôi 40 - 50 con để mở rộng mô hình chăn nuôi gà lôi này”, ông Triệu Tài Vàng, (thôn 2, xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).

https://danviet.vn/dak-lak-nuoi-thu-ga-tac-phong-lu-du-an-co-nhu-trau-mao-dai-thong-thuot-ban-1-con-to-thu-gan-2-trieu-2020121316080679.htm

Theo Đoàn Dũng (Báo Đắk Lắk/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm