(GLO)- Trong những tháng còn lại của năm 2013, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)-Chi nhánh tỉnh Gia Lai ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, sẵn sàng nguồn vốn để mở rộng tín dụng ra nền kinh tế, đảm bảo đầu tư có trọng tâm-trọng điểm, nhất là ưu tiên vốn cho sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn và xuất khẩu...
Trong 6 tháng đầu năm 2013, dưới sự điều hành của NHNN-Chi nhánh tỉnh Gia Lai, hoạt động ngân hàng và các chính sách tiền tệ đảm bảo tập trung, xuyên suốt theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và của tỉnh. Hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội địa phương, đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vốn, huy động vốn và các dịch vụ tiện ích ngân hàng hiện đại cho doanh nghiệp và nhân dân.
Quầy Giao dịch của Ngân hàng Vietcombank Gia Lai. |
Đặc biệt, ở các lĩnh vực kinh tế ưu tiên, dòng vốn từ các ngân hàng thương mại (NHTM) đã tiếp sức kịp thời cho doanh nghiệp đầu tư xuất khẩu, phát triển nông nghiệp-nông thôn, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ. So với cả nước, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn được đánh giá có mức tăng khá với 8,8%, chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, tỷ lệ nợ xấu tuy có chiều hướng tăng nhưng vẫn ở mức cho phép; mạng lưới NHTM được mở rộng với sự thành lập mới 2 chi nhánh, nâng số TCTD lên 25 đơn vị và 107 điểm giao dịch.
Thông qua hoạt động của các TCTD, đến cuối tháng 6-2013, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng 11,1% so cuối năm 2012. Phân theo loại hình, tiền gửi của các tổ chức kinh tế và cá nhân là 3.930 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng nguồn vốn huy động, tăng 19,5% so với cùng kỳ nhưng giảm 14% so với cuối năm 2012. Tiền gửi tiết kiệm của dân cư 13.660 tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng nguồn vốn huy động, tăng 34,8% so cùng kỳ, tăng 29% so với cuối năm 2012.
Phát hành giấy tờ có giá: 410 tỷ đồng, chiếm 2,3% tổng nguồn vốn huy động, giảm 54,5% so với cùng kỳ và giảm 60,8% so với cuối năm 2012. Về doanh số cho vay, kết thúc quý II, doanh số cho vay là 19.453 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ và bằng 46,8% cả năm 2012. Dự ước doanh số thu nợ 6 tháng là 17.296 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ và bằng 45,9% cả năm 2012.
Tổng dư nợ cho vay trên địa bàn đến cuối tháng 6-2013 đạt 32.000 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước, tăng 8,8% so cuối năm 2012. Các NHTM đã cho vay 26 gói sản phẩm lãi suất ưu đãi chủ yếu 7-10%/năm cho 1.364 khách hàng, với doanh số cho vay là 1.329 tỷ đồng, (trong đó có 147 khách hàng doanh nghiệp, với doanh số cho vay 1.116 tỷ đồng, chiếm 82% dư nợ). Với mục tiêu kiểm soát và duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%/tổng dư nợ, chất lượng tín dụng của các NHTM luôn được đặt lên hàng đầu trong hoạt động ngân hàng.
Nợ xấu trên địa bàn ước khoảng 300 tỷ đồng, chiếm 0,94% tổng dư nợ, giảm 27,1% so cùng kỳ năm trước nhưng tăng 27,4% so với cuối năm 2012. (Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ giảm 0,61% so với cùng kỳ nhưng tăng 0,14% so với cuối năm 2012). Dưới góc độ quản lý nhà nước, tỷ lệ nợ xấu tuy trong mức kiểm soát nhưng có dấu hiệu gia tăng theo từng tháng, đồng thời nếu không thực hiện Quyết định 780/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì nhiều khả năng gia tăng nợ xấu cao hơn nữa.
Thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN, của tỉnh, các NHTM đã triển khai các giải pháp cơ bản nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết nợ xấu. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng, đến cuối tháng 5, các chi nhánh NHTM đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN cho 114 doanh nghiệp, với dư nợ 1.904 tỷ đồng, trong đó điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 553 tỷ đồng, gia hạn nợ 1.351 tỷ đồng.
Nhờ đó, các doanh nghiệp có điều kiện tái cấu trúc về tài chính, vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Về thực hiện trần lãi suất cho vay ngắn hạn, các chi nhánh NHTM đã cho vay mới đối với các nhóm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên cho 12.583 khách hàng, trong đó có 685 doanh nghiệp, với dư nợ 3.442 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ.
Về điều chỉnh giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa 15% năm theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN: Đã điều chỉnh cho 50.574 khách hàng, với dư nợ được điều chỉnh là 15.410 tỷ đồng, chiếm 96,1% tổng dư nợ lãi suất trên 15% (trong đó có 1.127 doanh nghiệp, với dư nợ được điều chỉnh của các doanh nghiệp là 8.608 tỷ đồng, chiếm 96,8% tổng dư nợ lãi suất trên 15% của các doanh nghiệp).
Về cho vay phát triển nông nghiệp-nông thôn: Đã cho vay với dư nợ 14.359 tỷ đồng, chiếm 45,8% tổng dư nợ, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước; với 209.043 khách hàng còn dư nợ (715 doanh nghiệp). Trong đó, cho vay ngắn hạn là 9.188 tỷ đồng, chiếm 64%; cho vay trung và dài hạn là 5.171 tỷ đồng, chiếm 36%.
Trong những tháng còn lại của năm 2013, NHNN-Chi nhánh tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để chủ động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, điều tiết tiền tệ hợp lý để đảm bảo thanh khoản. Sẵn sàng nguồn vốn để mở rộng tín dụng ra nền kinh tế với mức tăng trưởng 12% năm; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ.
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp xác định diện tích cà phê tái canh, trên cơ sở đó đề nghị Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ vốn tín dụng. Chỉ đạo các NHTM tập trung thực hiện các chỉ tiêu về huy động vốn, dư nợ tín dụng, giảm dần mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp với mặt bằng huy động, bám sát các danh mục dự án kêu gọi đầu tư và nhu cầu vốn phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh để đảm bảo đầu tư tín dụng có trọng tâm, trọng điểm.
Sơn Ca