Đoàn công tác của Chi cục Đăng kiểm số 5 đã bắt đầu tiến hành việc kiểm tra thực tế các tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông từ ngày 20/4.
(Nguồn: Vietnam+) |
Ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5 (Cục Đăng kiểm Việt Nam), xác nhận sau hơn 2 tuần tạm hoãn để thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID 19, đoàn công tác của Chi cục Đăng kiểm số 5 bắt đầu tiến hành việc kiểm tra thực tế các tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông từ ngày 20/4.
Đây là các tàu được TTXVN phản ánh đã có nhiều bất thường trong quá trình tiến hành các thủ tục đăng kiểm (vào cuối tháng Ba vừa qua). Trong số đó, nhiều công đoạn quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự an toàn của người sử dụng phương tiện, bản thân phương tiện đã bị bỏ qua.
Cũng trong chuyến công tác lần này, Chi cục Đăng kiểm số 5 bố trí một nhóm đăng kiểm viên tiến hành kiểm tra định kỳ và thực hiện các thủ tục đăng kiểm cho khoảng 20 tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông vừa hết hạn chứng nhận đăng kiểm từ đầu tháng Tư đến nay.
Trao đổi với nhóm phóng viên TTXVN, ông Phạm Duy Khánh khẳng định việc tổ chức đoàn công tác để xác minh, kiểm tra là theo chỉ đạo của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Bản thân ông Khánh làm trưởng đoàn và một số thành viên là đăng kiểm viên không liên quan tới việc đăng kiểm tàu tại 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông trước đó. Nhiệm vụ của đoàn công tác là xác minh thực tế và báo cáo, đề xuất phương hướng xử lý lên Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Theo quy định tại Thông tư 48/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, việc kiểm tra, giám sát công tác đăng kiểm của các đơn vị đăng kiểm; xử lý hoặc đề nghị xử lý sai phạm của cá nhân và đơn vị đăng kiểm là trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Cũng theo ông Phạm Duy Khánh, Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5, các nội dung phản ánh của nhóm phóng viên TTXVN tại Đắk Lắk, Đắk Nông về thực trạng kỹ thuật của các tàu hút cát cũ (đã được cấp chứng nhận đăng kiểm) và một số bất thường trong quá trình tiến hành các thủ tục đăng kiểm là đúng.
Ông Phạm Duy Khánh cũng nhận định việc đăng kiểm tàu cũ là một vấn đề phức tạp, quy chuẩn, quy định rất chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này trong thực tế gặp khá nhiều khó khăn, một phần do các tàu hút cát cũ đã được đóng không đúng quy chuẩn kỹ thuật, một phần do các tàu này đã sử dụng thời gian dài (nhiều tàu hơn 10 năm) trước khi được tiến hành kiểm tra lần đầu và cấp chứng nhận đăng kiểm.
Hơn nữa, các vấn đề về hạ tầng, điều kiện kỹ thuật phục vụ việc đăng kiểm vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn.
(Nguồn: Vietnam+) |
“Dự kiến, cuối tháng Tư tới đây chúng tôi sẽ có kết quả sơ bộ và báo cáo về Cục Đăng kiểm Việt Nam,” ông Phạm Duy Khánh khẳng định.
Theo tìm hiểu, từ năm 2017, nhất là từ cuối năm 2018, việc ngành chức năng 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông siết các quy định và tiến hành xử phạt các lỗi liên quan tới đăng kiểm, đăng ký tàu hút cát đã tạo ra một “nút thắt” có ý nghĩa sống còn đối với nhiều doanh nghiệp, chủ tàu khai thác cát tại 2 tỉnh này.
Theo nhận định của một số doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của 2 tỉnh, nếu làm đúng theo các quy chuẩn chặt chẽ của Bộ Giao thông Vận tải, thì hầu hết các tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh này không đủ điều kiện để cấp chứng nhận đăng kiểm, không đảm bảo an toàn cho người sử dụng phương tiện và bản thân phương tiện.
Ông Lê Viết Dũng, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 5, xác nhận khi tiến hành đăng kiểm các tàu hút cát cũ tại 2 tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk vào cuối năm 2018 - đầu năm 2020, các đăng kiểm viên trực tiếp tham gia “dựa vào kinh nghiệm là chính.”
Nếu không làm được (ý nói đăng kiểm được và cấp giấy chứng nhận - PV) thì khó khăn cho các doanh nghiệp và ngành chức năng của tỉnh cũng nói là “không tạo điều kiện.”'
Nhóm phóng viên TTXVN tại Đắk Nông, Đắk Lắk sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
PV (Vietnam+)