Đất không phụ tình người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đang giữa mùa khô hạn, trời nắng màu mật ong, chúng tôi có chuyến hành trình về phía Tây huyện Ia Grai, nơi dừng chân cuối cùng là xã Ia O, xã vùng biên giới giáp với Campuchia.

Gần 50 km đường nhựa phẳng phiu từ thị trấn Ia Kha, trung tâm huyện lỵ đến nơi cuối nguồn con sông Sê San đổ về Serepok (Campuchia), chúng tôi qua rất nhiều khu dân cư đông đúc với những vùng cây chuyên canh cà phê, cao su, điều... Ngạc nhiên hơn là những thị tứ mới với nhà cửa mọc lên san sát hai bên đường với những cửa hàng, chợ búa, người người mua bán, ăn uống khá tấp nập.

 

Khu vực Nhà máy thủy điện Sê San 4. Ảnh: Lê Hòa

Quả thật là khó hình dung được, cách đây vài mươi năm những vùng đất này còn là vùng sâu, vùng xa với con đường đất đỏ đầy bùn trơn trượt vào mùa mưa và phủ trùm bụi đỏ trong mùa nắng, đi lại chủ yếu bằng chân trần, nhà cửa thưa vắng, không chợ búa, không trạm y tế... Đời sống cư dân vô cùng chật vật với miếng cơm manh áo.

Anh bạn đồng nghiệp ngồi cạnh tôi trên xe, từ lâu không có dịp về các xã phía tây của huyện cứ trầm trồ mỗi khi đi qua các thị tứ đông đúc: “Mình không thể hình dung được, những vùng khó khăn này lại phát triển nhanh đến vậy. Chắc bây giờ cái mục tiêu phấn đấu điện-đường-trường-trạm ở nơi thâm sơn cùng cốc này chẳng là “cái đinh” gì cả vì nó đã hiện hữu hiển nhiên rồi; nếu có ước muốn thì họ cũng như người ở phố thị thôi, tức là chất lượng cuộc sống được nâng lên ở mức tương ứng”.

Nói đến đây, bất ngờ anh hỏi tôi: “Điều gì đã làm họ thay đổi nhanh như thế, hả ông bạn?”. Tất nhiên tôi không thể giải thích một cách cụ thể và thuyết phục trong khi chưa điều tra thực tế để có số liệu chứng minh những nguyên nhân làm thay đổi diện mạo của vùng nông thôn nơi đây. Nhưng chắc chắn một điều là có sự tác động nào đó đã làm cho tiềm năng và nguồn lực ở vùng đất này được khơi dậy, phát triển đúng hướng.

Bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình của Chính phủ đối với vùng nông thôn miền núi, còn phải kể đến các dự án lớn của Tập đoàn Điện lực, Binh đoàn 15 và một số doanh nghiệp khác đã góp phần cùng địa phương thúc đẩy sự phát triển về kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh.

 

Trên dòng Sê San. Ảnh: D.D

Ở Ia Grai, những năm trước đây, các dự án thủy điện trên các tầng bậc sông Sê San đã được triển khai như: Nhà máy thủy điện Sê San 4 và Nhà máy thủy điện Sê San 4a trên địa bàn xã biên giới Ia O. Hiện nay, các công trình này đã hoàn thành và phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, đóng góp một phần vào ngân sách địa phương.

Đồng thời, các công ty cao su thuộc Binh đoàn 15 nhiều năm qua đã xây dựng và phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng, phủ xanh hàng vạn ha cao su trên các xã vành đai biên giới, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động có cuộc sống ổn định; đặc biệt đã góp phần làm thay đổi nếp sống, lao động-sản xuất lạc hậu của đồng bào dân tộc bản địa, giúp họ biết làm lúa nước, trồng cây công nghiệp và chăn nuôi có kỹ thuật, điều mà tổ tiên họ cả hàng ngàn năm nay chưa thể đổi thay được.

Các nguồn lực đầu tư từ các đơn vị kinh tế đã góp phần quan trọng để phát triển cơ sở hạ tầng như: điện-đường-trường-trạm, chung tay giải quyết một phần vấn đề an sinh xã hội... Hưởng lợi từ các chương trình từ dự án lớn thuộc các đơn vị kinh tế, các xã phía tây Ia Grai như: Ia Tô, Ia Krai, Ia O đã nhanh chóng nắm lấy thời cơ, phát huy nội lực để phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Đang lúc giữa mùa khô hạn nghiêm trọng của Tây Nguyên nhưng theo anh Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai thì ở địa phương một số loại cây trồng ở vài nơi có bị ảnh hưởng nhưng chưa đến mức báo động.

Loại cây cần nước nhiều nhất là cà phê nhưng hầu hết trong số đó đã được tưới lần 2 và nguồn nước chưa đến mức cạn kiệt nên đến thời điểm này chưa có dấu hiệu cây trồng khô chết hàng loạt và mất trắng như một số địa bàn khác. Một số vùng khô hạn thường xuyên phía Tây huyện cũng như dọc theo tuyến biên giới, từ lâu nhân dân đã phát triển cây điều, loại cây chịu hạn và xem nó như phương tiện để giảm nghèo.

Đang lúc mùa thu hái điều, chúng tôi đến thăm một số gia đình ở làng Dăng, xã Ia O, nơi gần với công trình thủy điện Sê San 4. Gia đình anh Vi Xuân Hụy (dân tộc Thái) có vợ là người Jrai bản địa với căn nhà cấp 4 đầu làng, có đủ tiện nghi, khá sạch sẽ, tươm tất, chung quanh vườn toàn là cây điều lưu niên phủ bóng rợp cả sân nhà, trái chín lúc lỉu khắp cành. Anh Hụy cho biết, gia đình có 4 ha điều, với giá điều hiện tại khoảng 19-20 ngàn đồng/kg hạt thì bình quân mỗi ha điều cho thu nhập mỗi năm trên dưới 20 triệu đồng.

Như vậy, từ diện tích điều năm nay, gia đình anh cầm chắc 80 triệu đồng (đã trừ chi phí). Lúa thì chỉ làm đủ ăn còn thêm chăn nuôi heo, gà, bồ câu... gia đình anh sống tương đối khá giả. Anh cho rằng, trồng điều tuy chiếm nhiều đất nhưng lại dễ chăm sóc, không tốn công, chỉ đến mùa trái chín rụng bỏ thời gian đi nhặt về bán cho thương lái, rất phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số.

Riêng với gia đình anh Ksor Phiếu thì khác, anh có tổng công 6 ha đất, trong đó dành cho cây điều 1,5 ha, còn 4 ha hiện đang trồng cao su tiểu điền được 3 tuổi, chăm sóc đến 4 năm nữa mới thu hoạch. Gia đình anh mới làm lại căn nhà khá rộng rãi, thoáng mát, chủ yếu cũng tích lũy từ cây điều hàng năm. Anh cho rằng, cần biết lấy ngắn nuôi dài thì mới nghĩ đến chuyện làm giàu như người Kinh được. Ở làng Dăng này cũng có gần chục hộ có thu nhập chính từ cây điều, cộng với chăn nuôi, làm lúa nước nên đời sống có khá lên. Một số hộ còn nghèo do thiếu lao động và thiếu đất sản xuất.

Ra khỏi làng Dăng đi về phía dòng Sê San, nơi có thủy điện lớn chỉ sau Nhà máy Thủy điện Ia Ly, chúng tôi lại gặp một con phố khá sầm uất, đa số các cửa hàng kinh doanh của người Kinh, dân địa phương gọi nơi này là “phố thủy điện”.

Sau khi công trình hoàn thành, hàng ngàn công nhân rút đi, con phố giữa làng vẫn còn trụ lại cùng với công ty khai thác và nhà thủy điện đang vận hành. Với lòng hồ thủy điện rộng gần 40 ha, người dân địa phương có điều kiện khai thác nguồn lợi thủy sản khá phong phú. Lượng cá đánh bắt hàng ngày đã vượt quãng đường xa về cung cấp cho các nhà hàng ở TP. Pleiku.

Trên chặng đường không quá dài từ thị trấn Ia Kha về xã Ia O, chúng tôi còn đi qua các thị tứ được mệnh danh là “phố cao su”, “ phố cà phê”... thuộc địa bàn xã Ia Tô, Ia Krái... Ở những nơi này, có doanh nhân dám đầu tư cả chục tỷ đồng để xây chợ, mặc dù cơ sở vật chất khá khang trang của chợ đã khánh thành nhưng vẫn chưa họp chợ được. Điều lạ là giá cả đất đai ở các vùng thị tứ này không mềm hơn ở trung tâm huyện Ia Grai là bao.

Như vậy chứng tỏ rằng giá trị của đất không tùy thuộc vào nó ở phố thị hay những nơi tập trung dân cư mà tùy thuộc vào tiềm năng phát triển của vùng đất đó trong hiện tại và tương lai mà người đến định cư cảm thấy ở đó có sức sống bền vững của nó.

Đất hóa vàng, điều ấy không quá nếu muốn nói đến cả một dãy phía tây rộng lớn của huyện Ia Grai. Giờ đây nếu ai đó muốn lập thân, lập nghiệp không dễ gì tìm ra vuông đất để cắm dùi ở khu đất vàng ấy.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm