Du lịch

Đất Việt giữa trùng khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường có thói quen ngồi xem lại những hình ảnh đã ghi được trong những chuyến ruổi rong dọc dài đất nước. Những lần như thế, bao giờ những tấm ảnh về Côn Đảo, Phú Quốc, Lý Sơn cũng khiến tôi bồi hồi xúc động nhất. Bởi đơn giản, không chỉ riêng tôi mà với mọi con dân nước Việt, trong sâu thẳm trái tim đều luôn có một phần hướng vọng về một phần máu thịt của Tổ quốc giữa trùng khơi ấy.

Nếu như việc đi Trường Sa hiện vẫn đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khá khắt khe mà không phải ai muốn cũng có thể đi được thì từ nhiều năm nay, với những người ham thích xê dịch, muốn khám phá biển đảo của Tổ quốc như tôi, việc đi Côn Đảo, Phú Quốc, Lý Sơn… đã là chuyện dễ dàng như thể đi Tây Nguyên, Tây Bắc. Không tin bạn cứ lên mạng sẽ thấy, chỉ cần bỏ ra dăm ba triệu đồng, bạn sẽ có ngay một chuyến du lịch trọn gói vài ngày ở những hòn đảo này. Còn nếu không thích đi theo hình thức “tour” và chấp nhận đi tàu, đi phà, lưu trú trong những nhà nghỉ bình dân, số tiền bạn bỏ ra chắc chắn sẽ còn ít hơn nữa. Bằng chứng là chỉ với khoảng chục triệu đồng trong tay, mấy năm nay, tôi đã lần lượt đặt chân đến Côn Đảo, Phú Quốc và Lý Sơn như một du khách thực thụ.

 

Vẻ đẹp của di tích Dinh Cậu ở đảo Phú Quốc. Ảnh: L.H

Có đi Côn Đảo, Phú Quốc hay Lý Sơn, tôi mới hiểu tại sao vài năm gần đây, những hòn đảo này lại trở thành điểm đến hấp dẫn du khách như vậy. Ngay khi đặt chân đến Phú Quốc, tôi đã bị mê hoặc bởi những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn, những bãi tắm hoang sơ với làn nước biển xanh vắt và cả những đặc sản biển tươi roi rói bán ở chợ đêm Dương Đông. Còn ở Lý Sơn, tôi sẽ chẳng bao giờ quên được vẻ đẹp hùng vĩ của những miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền hay sự kinh ngạc trước chiếc cổng đá có tên Tò Vò mà tạo hóa đã khéo léo dựng nên ngay sát mép biển.

Nhưng Côn Đảo, Phú Quốc hay Lý Sơn không phải là nơi mà người ta đến chỉ để tận hưởng cảnh sắc thiên nhiên, thưởng thức những đặc sản rừng biển. Đến Côn Đảo và Phú Quốc còn là cơ hội để mỗi người được tận thấy, tận nghe và lắng mình trước những trầm tích văn hóa, những trang sử hào hùng gắn liền công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của lớp lớp cha ông. Đó là những câu chuyện nhuốm màu dân gian về chúa Nguyễn Ánh ngày trốn chạy sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn; là câu chuyện về cuộc chiến đấu anh dũng của anh hùng Nguyễn Trung Trực những ngày đầu giặc Pháp xâm lược nước ta… Và một câu chuyện mà những ai đặt chân đến Côn Đảo, Phú Quốc không thể không nghe, đấy là câu chuyện về cuộc đấu tranh của những người tù cộng sản yêu nước trước gông cùm nhà tù của thực dân Pháp và chế độ Mỹ-Ngụy. Điều hết sức may mắn với tôi là trong cả hai chuyến đi đến Côn Đảo và Phú Quốc, tôi đều được đi cùng những cựu tù chính trị yêu nước tỉnh Gia Lai.

Qua những câu chuyện mà những nhân chứng sống của nhà tù Côn Đảo và Phú Quốc kể lại và cả những hình ảnh ghê rợn của nhà tù năm xưa, dù chưa thật sự thấu hiểu hết song tôi cũng phần nào hiểu được vì sao nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc lại được những tù nhân chính trị thời chống Pháp, chống Mỹ gọi là “địa ngục trần gian”. Và đối nghịch với sự hà khắc, tàn độc của đòn roi, gông cùm nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc là ý chí kiên cường, tinh thần đấu tranh bất khuất của những người tù chính trị, từ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, anh hùng Võ Thị Sáu, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh… đến những người con trung kiên của mảnh đất Gia Lai như Lương Thạnh, Bùi Dự, Đỗ Hằng.

Nếu Côn Đảo và Phú Quốc được coi như những bảo tàng về truyền thống đấu tranh cách mạng thì Lý Sơn có thể xem là bảo tàng sống về quá trình khẳng định chủ quyền biển đảo của tổ tiên ta. Trong chuyến ra Lý Sơn giữa những ngày Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào Biển Đông và liên tục tấn công, cướp tài sản của ngư dân ta tháng 5-2014, tôi đã được tận thấy những tư liệu, hiện vật thể hiện quá trình khẳng định chủ quyền của tổ tiên ta với quần đảo Hoàng Sa cách đây 3-4 thế kỷ được trưng bày ở Nhà trưng bày lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải; thấy được niềm tự hào của những người dân Lý Sơn với truyền thống của cha ông qua hàng trăm những tư liệu, hiện vật mà ông Phạm Thoại Tuyền ở thôn Đông, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn đang lưu giữ. Xúc động và tự hào nhất là khi tôi gặp và chuyện trò với những ngư dân từng bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản như ông Nguyễn Lộc, Nguyễn Tiền, Huỳnh Tấn Được, Lâm Thành Nổi… Bất chấp hiểm nguy, những người con Lý Sơn này vẫn thể hiện quyết tâm tiếp tục vươn khơi bám biển để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ở quần đảo Hoàng Sa. Nói như ông Nguyễn Quốc Chinh-Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải là: “Không ra khơi, không bám biển là đi ngược với truyền thống của ông cha, là có tội với con cháu mai sau. Dù Trung Quốc có cướp hết tài sản, thậm chí giết chết, anh em ngư dân vẫn kiên quyết bám biển Hoàng Sa. Mỗi ngư dân sẽ nguyện làm một cột mốc sống trên biển để khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Khi ngồi kể lại những ấn tượng, những câu chuyện về những hòn đảo đã đặt chân đến như Côn Đảo, Phú Quốc, Lý Sơn, bất giác tôi nhớ đến cuốn sách “Tổ quốc không có nơi xa” của nhà báo Lưu Đình Triều. Quả đúng như cái tên sách này, không có một mảnh đất nào của Tổ quốc, từ biên cương núi cao đến hải đảo lại là xa xôi nếu chúng ta muốn đặt chân đến. Và ngay cả nếu không thể đến được, thì trong trái tim của mỗi con dân nước Việt, những Hoàng Sa, Trường Sa, những Côn Đảo, Phú Quốc, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Phú Quý… những phần đất máu thịt của Tổ quốc giữa trùng khơi cũng thật gần gũi, thân thương.

Lê Hà

Có thể bạn quan tâm