Kinh tế

Đâu là cây trồng chủ lực?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vào mùa thu hoạch mía. Ảnh: Đ.T
Vào mùa thu hoạch mía. Ảnh: Đ.T
Khu vực phía Đông được xem là một trong những vùng trọng điểm của nông nghiệp tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên một số cây trồng được xem là thế mạnh như bông vải, điều… đang sống lay lắt hoặc đang trên đường bị xóa sổ hoàn toàn…
Điều, bông không còn “đất”
Từ năm 1997, cây điều bắt đầu được nông dân các huyện phía Đông tỉnh chọn làm loại cây chủ lực giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo. Chỉ một thời gian, diện tích điều khu vực phía Đông lên đến gần 6.000 ha. Nhưng chưa đầy 5 năm sau, loại cây này bắt đầu chững lại và không còn thu hút được sự quan tâm của nông dân. Nguyên nhân là do giá điều lên xuống thất thường; cùng với đó, thời tiết biến đổi theo chiều hướng bất lợi nên cây điều thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất sụt giảm. Tính đến thời điểm này, toàn bộ khu vực phía Đông chỉ còn hơn 1.700 ha điều (huyện Kông Chro 1.330 ha, Kbang 400 ha, Đak Pơ 40 ha) và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ. Nhiều năm qua, hai nhà máy chế biến hạt điều tại TP. Pleiku và huyện Krông Pa với công suất 5.000 tấn/năm luôn bị đặt trong tình trạng thiếu nguyên liệu.
Sau cây điều, cây bông vải được đưa vào sản xuất với hy vọng giúp nông dân “đổi đời”. Năm 2002, cây bông vải được đưa vào thử nghiệm và đến niên vụ 2005-2006 khu vực phía Đông đạt gần 5.000 ha. Nhưng cũng chỉ một năm sau vùng nguyên liệu bông vải đã giảm gần 60%, và 2 năm tiếp theo diện tích còn lại chỉ chưa đầy 300 ha. Niên vụ 2005-2006 huyện Kông Chro có 3.700 ha, nhưng sau 3 năm chỉ còn lại 100 ha. Vụ bông vải năm 2009, với sự tiếp sức của Chính phủ khi đầu tư cho tỉnh ta 7 tấn giống mới NV01-2 (trồng mới hơn 1.000 ha), Công ty Bông vải Việt Nam hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật và hợp đồng bảo hiểm bao tiêu sản phẩm cho nông dân với giá 9.000 đồng/kg để cứu lấy ngành bông. Huyện Kông Chro lại đi đầu trong việc khôi phục diện tích bông vải khi 500 hộ dân được đầu tư trồng mới 450 ha. Nhưng chỉ sau một vụ, nhiều nông dân cảm thấy nản, chi phí đầu tư cao nên không lãi được là bao.
Ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro cho biết: “Những năm trước, điều và bông vải được xem là những loại cây chủ lực để phát triển nông nghiệp, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo. Nhưng do thời tiết thất thường, giá cả bấp bênh, kỹ thuật chăm sóc của nông dân còn yếu và chưa chủ động được nguồn nước tưới nên các loại cây này nhanh chóng bị xóa sổ.  Hiện nay, những loại cây được xem là chủ lực của huyện là: Mía, mì, bắp lai…”.       
Cây mía lên ngôi
Hiện nay, mía được xem là loại cây chủ lực mà nông dân kỳ vọng nhất. Năm 2009, khu vực phía Đông có hơn 12.000 ha mía, đến niên vụ 2010 con số này đã tăng lên gần 14.000 ha. Hầu hết diện tích mía của các huyện đều tăng đột biến, trong đó huyện Kbang tăng hơn 30%, đạt hơn 2.400 ha, huyện Kông Chro tăng gần 50% đạt hơn 608 ha, thị xã An Khê và huyện Đak Pơ diện tích mía đều tăng mạnh đạt hơn 10.000 ha mỗi huyện. Cây mía được nông dân đặt niềm tin, vì thời gian qua, giá thu mua mía trên thị trường tăng mạnh. Thời kỳ đỉnh điểm Nhà máy Đường An Khê thu mua gần 1 triệu đồng/tấn, năng suất từ 60 tấn/ha, giá từ 650.000 đồng đến 700.000 đồng/tấn, nông dân đã thu lãi hơn 20 triệu đồng/ha. Niên vụ mía 2009-2010, Nhà máy Đường An Khê nâng công suất hoạt động từ 4.000 tấn mía/ngày lên 4.500 tấn mía/ngày nên cần thêm nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, nông dân còn được Nhà máy hỗ trợ giống, phân bón, máy móc sản xuất cùng bảo hiểm giá để đảm bảo quyền lợi.
Ông Nguyễn Tấn Cương Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho biết: “Khi chúng tôi nâng công suất hoạt động của nhà máy thì cũng cần vùng nguyên liệu được mở rộng. Theo ước tính, hiện nay để đảm bảo hoạt động đúng công suất thì cần thêm khoảng 3.000 ha mía…”. Với những thuận lợi đó, nông dân khu vực phía Đông đặt niềm tin vào cây mía cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng với khu vực phía Đông, phát triển nông nghiệp không chỉ có cây mía. Đến khi nào khu vực phía Đông mới trở thành vùng trọng điểm của nông nghiệp tỉnh ta?
Lê Anh

Có thể bạn quan tâm