(GLO)- Một hợp tác xã từ khi thành lập, hoạt động đến nay gần 4 năm mà vẫn không làm ra được một sản phẩm nào. Một cơ sở khác thì có sản phẩm nhưng hơn nửa năm trời lại bế tắc trong việc tiêu thụ. Đó là thực trạng của không ít làng nghề truyền thống hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Đơn cử là Hợp tác xã Công-Nông nghiệp Đak Kơ Ning-xã Đak Kơ Ning, huyện Kông Chro và Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ Kon Dơng-thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang.
Ngắc ngoải làng nghề
Hợp tác xã Công-Nông nghiệp Đak Kơ Ning được đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất vào năm 2010 với kinh phí lên đến gần 1 tỷ đồng. Đây không những là cơ hội tốt để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống mà còn giúp người dân nơi đây tăng thêm thu nhập. Chính vì vậy, đã có hơn 50 xã viên là người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương được lựa chọn để đào tạo nghề đan lát, dự tính sẽ có hàng trăm hộ dân sẽ được hưởng lợi khi Hợp tác xã này đi vào hoạt động. Thế nhưng, đó cũng chỉ mới là những dự tính.
Dệt thổ cẩm ở hợp tác xã SXKD và DV Kon Dơng. Ảnh: Minh Nguyễn |
Khi có mặt tại cơ sở trên, chúng tôi chẳng thấy một sản phẩm đan lát nào mà chỉ thấy bày bán các mặt hàng như: phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống và một số đồ nghề sửa chữa máy cày, máy nổ… Nhìn trước ngó sau chẳng thấy một bóng người trừ bà Lê Thị Nữ-Chủ nhiệm Hợp tác xã. Lý giải điều này, bà Nữ cho biết: Dù đã trải qua hai đời chủ nhiệm (bà là người thứ 3) nhưng đến nay đơn vị này vẫn chưa cho ra đời một sản phẩm nào. “Xã viên thì không tha thiết với nghề, đầu ra cũng không có, tôi cũng đành lực bất tòng tâm”-bà Nữ thở dài.
Khá hơn Hợp tác xã Đak Kơ Ning đôi chút, Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh và Dịch vụ Kon Dơng sản xuất khá nhiều sản phẩm từ thổ cẩm như: quần áo, bóp ví, túi xách… Song cơ sở này lại phải lây lất, cầm cự trong nhiều tháng qua vì đầu ra bế tắc. Ông Ngô Xuân Thiên-Chủ nhiệm Hợp tác xã-cho biết: Hợp tác xã được thành lập từ năm 2007, ngành nghề chính là dệt thổ cẩm, hiện có 52 xã viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, làm ăn theo sản phẩm (sản phẩm bán được thì chi trả theo ngày công).
Tuy nhiên, như ông Thiên chia sẻ: “Tôi về nhận nhiệm vụ từ tháng 7-2012 nhưng đến thời điểm hiện tại thì Hợp tác xã vẫn không có doanh thu vì… không bán được sản phẩm”. Theo ông Thiên, hiện Hợp tác xã đang bế tắc trong việc tìm đầu ra, không tiêu thụ được do sản phẩm được dệt bằng thủ công, “giá bán ra phải đáp ứng theo ngày công lao động nên nếu đem đi chào hàng thì dứt khoát sản phẩm của làng nghề phải cao hơn những sản phẩm khác, mà giá cao hơn thì lại bán không được”-ông Thiên than thở. Trước mắt, hướng đi của Hợp tác xã là cố gắng tìm mọi cách để giữ được nghề truyền thống, duy trì việc sản xuất và… chờ đợi những đoàn khách du lịch ghé vào mới mong bán được sản phẩm nào thì hay sản phẩm đó.
Thành lập gần 4 năm, nhưng Hợp tác xã nông nghiệp Đak Kơ Ning vẫn chưa làm ra sản phẩm. Ảnh: Minh Nguyễn |
Loay hoay với đầu ra
Trao đổi trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Nguyễn Văn Sỹ-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kon Dơng-cho biết: Để giữ được nghề truyền thống cần rất nhiều yếu tố, trước hết là tiếp tục duy trì sản xuất sản phẩm chất lượng, mẫu mã phải thường xuyên được cải thiện, nguồn lao động có tay nghề và ổn định..., và trên hết là làm sao giải được bài toán đầu ra cho sản phẩm.
Nhiều năm nay, thị trấn cũng hỗ trợ Hợp tác xã bằng cách liên hệ với các lực lượng vũ trang trên địa bàn mời mua sản phẩm của Hợp tác xã làm quà tặng trong những cuộc giao lưu, hội thao, hội thi; các trường dân tộc nội trú có tặng quà hay may trang phục cho học sinh; phối hợp với công ty du lịch của tỉnh quảng bá sản phẩm của địa phương với khách hàng nhằm thu hút khách du lịch; bày bán một số sản phẩm của làng nghề tại Trung tâm Thương mại huyện Mang Yang. Tuy vậy, lượng sản phẩm tiêu thụ cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, người dân địa phương thì không có nhu cầu, chỉ biết trông chờ vào những tour du lịch nhưng cũng không đáng kể.
“Về phía địa phương, chúng tôi cố gắng tạo mọi điều kiện ưu đãi về thuế, tổ chức tập huấn đào tạo nghề nhằm duy trì và phát huy nghề truyền thống, không chỉ là ngành nghề dệt thổ cẩm mà còn có các ngành nghề truyền thống khác như đan lát, gùi, rượu ghè… Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ hướng cho Hợp tác xã mở rộng kinh doanh thêm các mặt hàng nông nghiệp phục vụ bà con như phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng…”-ông Sỹ thông tin thêm.
Trong khi đó, đối với Hợp tác xã Đak Kơ Ning, bà Lê Thị Nữ cho biết, dù không mấy lạc quan nhưng bà sẽ cố gắng tìm cách để vận động những xã viên đã được cử đi học nghề đan lát tham gia tìm nguồn nguyên liệu, sản xuất để tạo ra sản phẩm, đồng thời nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm đầu ra. Khi chúng tôi đem câu chuyện tìm đầu ra cho sản phẩm ở Hợp tác xã này trao đổi với lãnh đạo một phòng chức năng của huyện thì được ông này cho biết: “Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ đưa ra hướng phát triển, đào tạo nghề cho các xã viên, còn lại bản thân Hợp tác xã phải biết tự xoay xở tìm đầu ra cho sản phẩm, tích cực đôn đốc các xã viên tham gia sản xuất, duy trì hoạt động” (!?).
Quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề truyền thống nông thôn không những gìn giữ được giá trị truyền thống mà còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lao động, hỗ trợ kịp thời nhu cầu sản xuất của người dân địa phương. Thiết nghĩ, để làm được điều này thì có sự đầu tư hợp lý về cơ sở vật chất, từ nguồn nguyên liệu, đến thị trường tiêu thụ, cũng như tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề… và hơn thế nữa là phải có một chính sách đồng bộ từ quy hoạch, phương hướng và lộ trình phát triển cụ thể, tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”, vừa hoạt động kém hiệu quả vừa lãng phí thêm tiền của, nguồn nhân lực.
Minh Nguyễn