TN - Đất & Người

Đầu tư gần 14 triệu USD để nâng cấp thủy lợi ở tỉnh Kon Tum

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong tổng vốn đầu tư của dự án, có 10,364 triệu USD vay ưu đãi của Ngân hàng ADB, 0,3 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại và gần 3,3 triệu USD là vốn đối ứng để nâng cấp thủy lợi ở tỉnh Kon Tum.
Hôm ngày 19.3, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, Phó thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa ký quyết định về chủ trương đầu tư dự án “Hiện đại hóa thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu tỉnh Kon Tum,” vay vốn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Kon Tum được đầu tư gần 14 triệu USD để nâng cấp thủy lợi. Ảnh: C.T.V
Kon Tum được đầu tư gần 14 triệu USD để nâng cấp thủy lợi. Ảnh: C.T.V
Dự án này có tổng mức đầu tư là 13,929 triệu USD, tương đương trên 321 tỉ đồng, được thực hiện trong 4 năm, từ tháng 6.2022 - 6.2026.
Trong tổng vốn đầu tư của dự án, có 10,364 triệu USD vay ưu đãi của Ngân hàng ADB, 0,3 triệu USD vốn viện trợ không hoàn lại và gần 3,3 triệu USD là vốn đối ứng.
Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng thích ứng với hạn hán và chống chịu với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu quả thủy lợi phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững các hệ thống tưới thông qua đầu tư hiện đại hóa thủy lợi; nâng cao hiệu quả sử dụng nước nhằm đảm bảo ổn định cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, phục vụ tưới cho khoảng 1.448 ha cây trồng các loại.
Dự án này sẽ gồm 2 hợp phần. Hợp phần 1 sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới, hệ thống thủy lợi tại các huyện: Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Kon Rẫy.
Ở hợp phần 2, dự án sẽ áp dụng các biện pháp quản lý như xây dựng kế hoạch quản lý nước ở nội đồng, thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (CSA), áp dụng kỹ thuật canh tác CSA, áp dụng các biện pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả tưới CSA và nhân rộng hoạt động CSA.
Phó thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Kon Tum chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra về tính chính xác của thông tin, số liệu báo cáo, sự phù hợp với quy định của pháp luật về hồ sơ dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh cần thực hiện thủ tục bổ sung danh mục và bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm giai đoạn 2021 - 2025 cho dự án theo quy định; chịu trách nhiệm bố trí đủ vốn đối ứng, bảo đảm thực hiện dự án hiệu quả, đúng tiến độ và theo quy định hiện hành.
Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, hiện nay, toàn tỉnh có 595 công trình thủy lợi; trong đó gồm 85 hồ chứa nước, 8 trạm bơm và 502 đập dâng. Toàn tỉnh hiện có gần 125.000 ha cây trồng, trong đó trên 8.800 ha cây hàng năm vụ đông xuân và gần 29.000 ha cây cà phê là diện tích cần nước tưới nhất ở thời kỳ cao điểm của mùa khô. Tính cả vụ đông xuân và vụ mùa, tổng diện tích cây trồng có nhu cầu nước tưới cao của tỉnh Kon Tum là gần 60.000 ha.
Theo Đức Nhật (TNO)

Có thể bạn quan tâm