Kinh tế

Đầu tư phát triển vùng nguyên liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vụ ép 2014-2015 của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đã triển khai được gần 2 tháng. Cùng với việc đầu tư nâng công suất nhà máy từ 3.500 tấn mía cây/ngày lên 6.000 tấn mía cây/ngày, việc thu mua mía kịp thời và đúng tiến độ đã giúp người trồng mía yên tâm gắn bó với nhà máy. Nhờ cách làm này, vụ ép năm nay không chỉ kết thúc sớm hơn mà người trồng mía còn có điều kiện tái đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu cho vụ ép tới...

Bước vào vụ ép năm nay, vùng nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tại các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đầu tư đã tăng thêm 3.180 ha, nâng tổng diện tích lên đến 11.000 ha. Giá đường trên thị trường xuống thấp nhưng người trồng mía vẫn gắn bó với nhà máy khi Công ty chấp nhận sản xuất trong điều kiện lỗ nhiều hơn lãi.

 

Ảnh: Nguyễn Diệp
Ảnh: Nguyễn Diệp

Để giúp người trồng mía yên tâm, ngay từ đầu vụ, Công ty đã công bố mức giá thu mua tại ruộng dao động 850-870 ngàn đồng/tấn. Khi mía được vận chuyển về đến nhà máy, giá mua sẽ đạt 950 ngàn đồng/tấn.

Một trong những thuận lợi trong vụ thu hoạch mía năm nay là Công ty đầu tư trên 20 tỷ đồng mua 2 máy thu hoạch giúp bà con thu hoạch nhanh hơn, giảm bớt chi phí lao động và đã thu hoạch được trên 1.000 ha. Để ngăn chặn tình trạng mía cháy, Công ty đã thành lập tổ tự quản hoạt động ở các xã có vùng nguyên liệu và đã phát huy hiệu quả rất tốt. Bên cạnh đó, người trồng mía liên kết bảo vệ tài sản. Vì vậy, tình trạng mía cháy được hạn chế đáng kể. Đến thời điểm này, một số diện tích mía cháy bước đầu được xác định là do người dân sơ ý. Đặc biệt, để đảm bảo công suất ép 6.000 tấn/ngày cho những vụ ép tiếp theo, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện) với diện tích 500 ha, tưới nước từ công trình thủy lợi Ayun Hạ, cùng với đó cánh đồng mẫu lớn 700 ha tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa), thực hiện bằng phương pháp cơ giới hóa từ khâu trồng đến chăm sóc và thu hoạch… Không những vậy, Công ty có chính sách khuyến khích diện tích đất lúa ở các xã Ia Tul, Chư Mố và Ia Kdăm (huyện Ia Pa) chuyển sang trồng mía với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha… áp dụng chính sách đầu tư không tính lãi suất bằng phân bón, trồng giống mía mới, khuyến khích đầu tư phát triển vùng nguyên liệu 10 triệu đồng/hộ…

Ông Phạm Nhuần-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện cho biết: Những năm qua, Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai không chỉ đầu tư phát triển vùng nguyên liệu mà tiêu thụ mía nguyên liệu cũng ổn định. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ giống mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người trồng mía, khuyến khích hỗ trợ bằng bã bùn, phân vi sinh… nhất là hỗ trợ phòng-chống cháy mía, đã phát huy hiệu quả rất tốt…

Ông Nguyễn Văn Lừng-Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai cho hay: “Với việc đầu tư nâng công suất của nhà máy đảm bảo thu mua hết mía nguyên liệu của bà con nông dân, vụ ép năm nay, Công ty dự kiến sẽ thu mua khoảng 630 ngàn tấn mía nguyên liệu để nhà máy hoạt động đúng công suất 6.000 tấn/ngày. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người trồng mía có lãi, Công ty đã đưa ra nhiều chính sách mới để khuyến khích người trồng mía mở rộng thêm diện tích khoảng 12.500 ha trong vụ ép 2015-2016. Một trong những điều đáng mừng nhất hiện nay là tình trạng mía cháy đã giảm hẳn so với những năm trước đây. Kết quả này là nhờ bà con nông dân đoàn kết chung tay bảo vệ tài sản của mình một cách tốt nhất”.

Vụ ép mía nguyên liệu 2014-2015 đang bước vào giai đoạn cao điểm, việc chủ động đốn mía của người dân thực hiện khá nghiêm túc. Người trồng mía đang kỳ vọng vào một năm mới với niềm tin từ sự phát triển bền vững của cây mía xuất phát từ sự đầu tư phát triển vùng nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm