Kinh tế

Đầu tư tái tạo nguồn lợi thủy sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện, nổ mìn… dẫn đến các loại cá tự nhiên dần bị cạn kiệt, không còn khả năng sinh sản có phần tăng lên. Trước thực tế đó, việc thả cá giống ra các ao hồ tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được quan tâm. Nhờ đó, nguồn lợi thủy sản không chỉ được duy trì mà còn giúp người dân có nguồn thực phẩm tại chỗ trong các bữa ăn hàng ngày.

Ảnh: Nguyễn Diệp

Gia Lai có diện tích mặt nước có thể nuôi trồng thủy sản lên đến 12.701 ha, trong đó diện tích nuôi trồng 1.406 ha, diện tích khai thác tự nhiên 11.295 ha. Nuôi trồng, đánh bắt các loại cá nước ngọt như cá trắm, chép, mè, trôi… đang trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của nhiều huyện như: Phú Thiện, Kbang, Đak Đoa, Krông Pa, Chư Prông…

Những năm qua, cùng với việc đánh bắt cá theo phương thức truyền thống, một số vùng, người dân lén lút đánh bắt cá bằng xung điện, chất nổ khiến nguồn cá trong các ao hồ dần bị cạn kiệt. Để đảm bảo nguồn lợi thủy sản duy trì trong các ao, hồ tự nhiên và các hồ thủy lợi, thủy điện, trong 2 năm trở lại đây, Trung tâm Giống thủy sản Gia Lai thực hiện thả cá giống ra các ao hồ tự nhiên, hồ chứa lớn tạo nguồn lợi thủy sản cho người dân đánh bắt và sinh sống gần các ao hồ. Đợt thả cá năm 2013 tại các hồ Ia Băng (huyện Đak Đoa), hồ làng Buil và Klũ (huyện Chư Pah)… giúp người dân nơi đây duy trì và bảo vệ nguồn lợi. Đặc biệt tại hồ Ia Băng, đến nay người dân trong vùng đánh bắt cá và bán sản phẩm ra thị trường mỗi ngày có thể thu về  3-5 triệu đồng.

 

Từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng thủy sản đánh bắt trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.873 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 1.343 tấn, khai thác đạt 530 tấn… Giá trị sản xuất trên 13 tỷ đồng.

Năm nay, số lượng cá giống thả ra các hồ Ktung 4 (huyện Đak Pơ), Đak Ơi (huyện Đak Đoa)… cao hơn năm ngoái đến 170 vạn con. Để đáp ứng nhu cầu cá giống tái tạo, Trung tâm Giống thủy sản đã ươm cá con cách đây khoảng 4 tháng với các loại cá dễ nuôi, được người dân ưa chuộng như cá trắm, chép, mè vinh, rô phi… để đảm bảo khi thả ra hồ cá sinh sống phát triển tốt.

Cùng bà con trong làng thả cá giống ra hồ Đak Ơi, ông Y Yưn-Trưởng thôn làng Biă Til 1 (xã A Dơk, huyện Đak Đoa) cho biết: Hồ Đak Ơi là nguồn cung cấp thực phẩm cho người dân 2 làng Biă Til 1 và Biă Til I2. Hàng ngày có khoảng 30 hộ gia đình tham gia đánh bắt cá tự nhiên trong hồ. Để có lượng cá đánh bắt thường xuyên, mỗi năm người dân 2 thôn tham gia góp tiền mua cá giống thả ra hồ nhưng số lượng không nhiều lắm, chỉ chừng vài chục đến 100 kg cá giống. Nay được Nhà nước quan tâm thả số lượng cá lớn, bà con mừng lắm. Để duy trì việc đánh bắt cá lâu dài, thôn sẽ thành lập tổ tự quản để giám sát và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tốt nhất.

Ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh cho biết: “Đây là năm thứ 2 Trung tâm thả cá giống ra các ao hồ tự nhiên và hồ thủy lợi đáp ứng nhu cầu tái tạo nguồn lợi cá nước ngọt vừa cung cấp nguồn thực phẩm tại chỗ cho người dân. Hoạt động này sẽ được duy trì thường xuyên trong những năm tới”.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm