Kinh tế

Đầu tư vốn phát triển thủy điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều… chi phí đầu tư lớn, nguồn nhiệt điện như than, điện khí… chưa hiệu quả thì đầu tư vào thủy điện, nhất là thủy điện vừa và nhỏ đang chiếm ưu thế. Thủy điện vừa và nhỏ phát huy tác dụng rất tốt đối với những địa phương khó khăn về điện, nhất là vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, trong đó có Gia Lai.

Nhận thức được điều đó, trong những năm qua, tiềm năng thế mạnh của tỉnh nhà là thủy điện đã được đầu tư khai thác và phát huy rất có tác dụng. Qua khảo sát điều tra, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch với gần 100 dự án thủy điện nhỏ và vừa với tổng công suất lên đến hàng ngàn MW. Nhiều dự án công trình sau khi đầu tư đi vào vận hành khai thác đã đem lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế-xã hội.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Theo kết quả tổng hợp, năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 16,7% so với năm trước. Riêng điện sản xuất tăng 12,6%. Trong năm có 4 nhà máy thủy điện nhỏ đi vào hoạt động và 9 nhà máy khác phát huy hết công suất do nguồn nước ổn định. Ông Tân Xuân Hiến-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Điện Gia Lai cho biết: Công ty hiện có 12 nhà máy thủy điện lớn và nhỏ với tổng công suất 80 MW, sản lượng điện cả năm 2012 ước 350 triệu kWh, doanh thu 300 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 20 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức của công ty mẹ là 20%, lương cán bộ, công nhân viên trên 6 triệu đồng/tháng/người.

Đầu tư khai thác tiềm năng thủy điện mang lại giá trị to lớn như vậy, tuy nhiên xét trên khía cạnh huy động vốn, nhiều doanh nghiệp thủy điện vừa và nhỏ vẫn đang rất lúng túng. Theo các chuyên gia, nguồn vốn phát triển thủy điện gồm: vốn tự tích lũy của ngành điện, vốn vay trong và ngoài nước, từ các ngân hàng, phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu (trên cơ sở cổ phần hóa), vốn ngân sách, đầu tư dưới các dạng khác nhau. Dù vậy, phần lớn vốn đầu tư cho các dự án thủy điện vừa và nhỏ hiện nay chủ yếu sử dụng vốn vay từ các ngân hàng thương mại, phần vốn đối ứng của doanh nghiệp là rất thấp.

Theo số liệu mới nhất, hiện tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh vào khoảng 31 ngàn tỷ đồng; trong đó chiếm tỷ trọng đáng kể ở các lĩnh vực: dư nợ cho vay cây cà phê 4.033 tỷ đồng; cao su 2.094 tỷ đồng; hồ tiêu 1.084 tỷ đồng, thủy điện 4.745 tỷ đồng… Riêng dư nợ cho vay lĩnh vực thủy điện chiếm 15,3% tổng dư nợ-tỷ trọng lẽ ra phải cao hơn mới phù hợp với một trong những tiềm năng thế mạnh nổi trội của tỉnh. Dù vậy cũng không thể phủ nhận trong tình hình vốn huy động tại chỗ còn thấp và chủ yếu là nguồn huy động ngắn hạn nhưng các ngân hàng thương mại đã có những nỗ lực nhất định trong việc thu xếp tài trợ vốn cho nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn cũng như khu vực và đã mang lại những hiệu quả nhất định. Đi đầu thực hiện phải kể đến các chi nhánh ngân hàng thương mại: Đầu tư và Phát triển, Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Vietcombank…

Ông Phan Tiến Thu- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Gia Lai cho biết: Tính đến nay Chi nhánh đã tham gia tài trợ vốn đầu tư cho 12 dự án thủy điện với tổng công suất phát điện gần 650 MW, tổng vốn đầu tư các dự án là 13.538 tỷ đồng; trong đó Chi nhánh tham gia tài trợ 1.538 tỷ đồng, dư nợ còn 1.214 tỷ đồng, chiếm 16,2% tổng dư nợ hiện tại. Hầu hết các dự án thủy điện Chi nhánh tài trợ vốn đã hoàn thành, đi vào vận hành khai thác, hiệu quả cao.

Mới đây, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Đà Tây Nguyên đã đặt quan hệ tín dụng với Chi nhánh thu xếp vốn đầu tư cho dự án thủy điện Hà Tây (huyện Chư Pah). Công ty có các cổ đông sáng lập vốn là những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý đầu tư xây dựng công trình thủy điện và quản lý nhà máy thủy điện, đó là công ty cổ phần Thủy điện Ry Ninh 2 và Công ty cổ phần Sông Đà 4. Việc ký hợp đồng tín dụng đầu tư thủy điện Hà Tây là sự cụ thể hóa, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Chủ tịch UBND tỉnh tại hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tổ chức vào ngày 7-8-2012 về các vấn đề kỹ thuật, dự án đầu tư, kế hoạch triển khai hiệu quả kinh tế-xã hội… đã được các cơ quan chuyên môn kỹ thuật thiết lập, thẩm định và phê duyệt theo quy định, trình tự xây dựng cơ bản.

Nếu được đầu tư thích đáng, các dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh không chỉ tạo thu nhập cho người dân, giải quyết nhu cầu năng lượng ở quy mô gia đình và cộng đồng nhỏ vùng Trung du miền núi mà còn góp phần bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt cho Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ hơn.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm