Thể thao

Tin tức

Đầy ắp tiếng cười ở hội thi thể thao tại Chư Đang Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong khuôn khổ của Tuần lễ Hoa Dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024, hội thi thể thao là một trong những sự kiện mang đến điểm nhấn cho những ngày lễ hội. Hội thi đã tạo ra không khí sôi nổi, rộn rã tiếng cười cho các vận động viên cùng du khách.

Một trong những môn được chờ đợi nhất ở hội thi là cuộc thi leo núi chinh phục đỉnh Chư Đang Ya. Đỉnh núi lửa cao 975m so với mực nước biển nhưng cũng là thử thách cho bất cứ vận động viên (VĐV) nào.

Nhiều du khách hào hứng tham gia cuộc thi leo núi Chư Đang Ya. Ảnh: Văn Ngọc

Cuộc thi được tổ chức đều đặn trong 3 buổi sáng của ngày 8 đến 10-11. Các VĐV sẽ xuất phát từ khu vực nhà rông làng Ia Gri rồi men theo những con đường mòn để lên đỉnh núi với cự ly khoảng 2km. Theo thống kê của Ban tổ chức, cuộc thi có sự tham gia của hơn 150 VĐV trong và ngoài huyện.

Các VĐV chinh phục đỉnh núi lửa Chư Đang Ya với cự ly khoảng 2km. Ảnh: Văn Ngọc

Sau mỗi buổi thi, Ban tổ chức đã trao thưởng cho các VĐV leo núi cừ khôi nhất ở 2 nội dung nam-nữ. Nhưng với các VĐV, có lẽ phần thưởng lớn nhất là khi đạt đến điểm cao của núi lửa Chư Đang Ya hùng vĩ để ngắm nhìn khung cảnh hiếm có từ trên cao.

Nữ VĐV Nguyễn Thị Bích Vân rạng rỡ khi cán đích ở cuộc thi leo núi. Ảnh: Văn Ngọc

VĐV Nguyễn Thị Bích Vân (thị xã An Khê) hồ hởi: “Cung đường khá dốc nhưng mang lại sự hưng phấn cho các VĐV. Mỗi khi lên đến một điểm cao, chúng tôi lại được ngắm nhìn khung cảnh xung quanh với những đồi hoa, cánh đồng xanh ngát cũng như Biển Hồ mênh mông nước. Tôi nghĩ ai đã đến Chư Đang Ya cũng nên lên đỉnh núi một lần để thử thách bản thân cũng như thưởng ngoạn cảnh quan nơi đây”.

Môn thi đẩy gậy quy tụ khoảng 80 VĐV tranh tài. Ảnh: Văn Ngọc

Bên cạnh đó, các môn thể thao truyền thống như kéo co, cà kheo, đẩy gậy, nhảy bao bố cũng được đưa vào hội thi. Ông Phạm Trung Kiên-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Păh cho hay: “Đây là những môn thể thao được người dân tộc thiểu số tại địa phương rất ưa chuộng, trong đó có những môn thế mạnh của huyện khi tham gia các hội thi ở tỉnh. Do đó, hội thi không chỉ nhằm gìn giữ, quảng bá nét đẹp truyền thống thông qua các môn thể thao mà còn giúp giới chuyên môn tuyển chọn ra các VĐV xuất sắc ở cơ sở”.

Các bạn trẻ thích thú với môn thi nhảy bao bố. Ảnh: Văn Ngọc

Theo Ban tổ chức, hội thi năm nay được tổ chức quy mô với đông đảo VĐV tham gia hơn. Do đó, các cuộc tranh tài cũng trở nên sôi nổi, gay cấn và hấp dẫn. Đặc biệt, các trận đấu đều diễn ra ở “sân khấu” chính của lễ hội nằm trong khu vực sân nhà rông làng Ia Gri nên đã thu hút nhiều du khách dõi theo. Hầu hết đều tỏ ra thích thú và cổ vũ nồng nhiệt cho các VĐV.

Anh Nguyễn Hoài Nam (TP. Đà Nẵng) hào hứng: “Tôi rất thích tìm hiểu văn hóa và đời sống của người dân Tây Nguyên, nhất là người dân tộc thiểu số bản địa. Qua theo dõi các trận thi đấu ở các môn thể thao truyền thống, tôi nhận thấy dù còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng đời sống tinh thần của người dân rất phong phú, họ vừa có sức khỏe, vừa dẻo dai, khéo léo. Đến với Gia Lai lần này, chúng tôi không chỉ được ngắm nhìn núi lửa vàng một màu hoa dã quỳ mà còn hiểu hơn về văn hóa của người dân địa phương”.

Nhiều du khách tham gia trò chơi bịt mắt bắt gà tại Hội thi. Ảnh: Văn Ngọc

Không chỉ sắm vai các cổ động viên, nhiều du khách còn hào hứng tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn được tổ chức trong dịp Tuần lễ Hoa. Theo đó, Huyện đoàn Chư Păh đã tổ chức trò chơi “bịt mắt bắt gà” mở rộng đối tượng chơi cho tất cả mọi người có thể tham gia. Phần thưởng cho các VĐV là những con gà mà họ bắt được.

Anh Trịnh Văn Tuấn (tỉnh Bình Định) chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 tôi đến với lễ hội, năm nay có nhiều hoạt động vui tươi hơn và đông du khách hơn. Tôi cũng muốn trải nghiệm không khí các trò chơi nên đã đăng ký tham gia chơi bịt mắt bắt gà. Dù không bắt được con gà nào nhưng tôi cũng rất vui vì có được những tiếng cười sảng khoái sau những ngày làm việc bận rộn”.

Có thể bạn quan tâm