(GLO)- Theo bà Ksor H’Blê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Sê thì hàng năm, các cấp Hội Phụ nữ trong huyện đã giúp đỡ cho khoảng 1.039 hội viên nghèo và có được kết quả trên một phần là nhờ vào phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” triển khai toàn huyện.
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bắp lai. Ảnh: K.N.B |
Không chỉ là điều kiện hỗ trợ cho hội viên phụ nữ nghèo có thêm nguồn vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập mà phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” còn được các cấp Hội Phụ nữ trong huyện xem như đòn bẩy thúc đẩy mọi hoạt động của Hội phát triển. Do đó, ngay từ đầu năm, Hội đã phát động phong trào thi đua này đến toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn huyện. Đồng thời, Hội cũng đã phối hợp, vận động nhiều nguồn vốn gắn với việc hướng dẫn chị em sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, nhằm mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, Hội đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện triển khai cho các hộ nghèo vay thông qua các kênh vay vốn và đến nay các cơ sở Hội đang quản lý tổng số vốn trên 56 tỷ đồng, giải quyết cho 3.772 hộ vay. Cũng từ nguồn vốn vay này, một số chị em mạnh dạn đầu tư trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, hồ tiêu, cao su tiểu điền và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm… đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mặt khác, các cấp Hội cũng đã huy động nguồn vốn nhàn rỗi của chị em thông qua các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng. Đến nay, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn đã thành lập và duy trì 183 tổ tiết kiệm tín dụng với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng, nơi có nguồn quỹ cao nhất là 493 triệu đồng, thấp nhấp là 8 triệu đồng… đã giúp cho 1.001 hội viên vay với lãi suất thấp.
Ngoài việc giúp hội viên phụ nữ nghèo trong giải quyết nguồn vốn vay sản xuất, các cấp Hội còn hỗ trợ chị em về kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cũng như phối hợp mở các lớp dạy nghề… Bà Ksor H’Blê-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, cho biết: 5 năm qua (2007-2012), Hội đã phối hợp mở 24 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp… và mở 9 lớp dạy nghề về cắt may, trồng nấm, trồng rau sạch, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và chăm sóc cây cà phê, cao su,… với hàng ngàn lượt chị em tham gia. Nhờ đó, nhiều chị em đã vận dụng những kiến thức được tập huấn vào thực tế cho thu nhập cao, đồng thời các cấp Hội cũng giúp nhiều chị em vào làm việc tại Công ty May Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh)...
Ảnh minh họa. |
Bên cạnh đó, các cấp Hội luôn đẩy mạnh phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ hay “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” gắn với cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương” cho hội viên nghèo… Cụ thể, các cấp Hội đã vận động được 133 hội viên kinh tế khá giả giúp đỡ cho 245 chị có hoàn cảnh kinh tế khó khăn với số tiền 367 triệu đồng và 100 cây cà phê giống không tính lãi suất hoặc lãi suất thấp, đồng thời hướng dẫn cho chị em cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả. Hơn thế, Hội Phụ nữ các xã, thị trấn cũng đã vận động được 17 triệu đồng thông qua “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” để tặng 22 sổ tiết kiệm cho phụ nữ nghèo; vận động, hỗ trợ xây dựng được 22 mái ấm tình thương tặng cho 22 hội viên nghèo với số tiền trên 263 triệu đồng và sửa chữa 4 căn nhà dột nát cho hội viên… Chưa hết, các cấp Hội còn vận động hội viên đóng góp vào “Quỹ tình thương” để mua bò tặng cho gia đình hội viên nghèo-coi như là nguồn vốn để gia đình chăn nuôi phát triển kinh tế. Đến nay, các cấp Hội đã mua 26 con bò tình thương tặng cho 26 hội viên nghèo trị giá gần 120 triệu đồng…
Từ phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” cùng với nhiều phong trào khác do Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai mà mỗi năm đã có hàng trăm hội viên nghèo được các cấp Hội giúp thoát nghèo, góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện (từ 31% năm 2007 xuống còn 21,37% cuối năm 2012-theo tiêu chí mới).
Phương Dung