Bạn đọc

Để làm tốt đề thi trắc nghiệm môn tiếng Anh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Nhung
Để làm tốt đề thi trắc nghiệm môn tiếng Anh trong kỳ thi Tuyển sinh Đại học và Cao Đẳng, thí sinh cần lưu ý những điểm gì? Bài viết của Tiến sĩ Phạm Thị Hồng Nhung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ- Đại học Huế, Giám đốc Trung tâm Phiên- Biên dịch Đại học Ngoại ngữ sau đây sẽ cung cấp cho các học sinh nhiều thông tin, gợi ý và lời khuyên bổ ích để làm bài thi môn tiếng Anh đạt số điểm cao nhất.
Trong những năm gần đây đề Tuyển sinh Đại học và Cao Đẳng môn tiếng Anh của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo hình thức trắc nghiệm gồm 80 câu. Trong đó thể loại câu hỏi kiểm tra kiến thức ngữ pháp, từ vựng và chức năng ngôn ngữ (Grammar & Vocabulary Questions and Language Function Questions) là loại câu hỏi chiếm số lượng lớn nhất trong tất cả các loại câu hỏi của đề thi. Thông thường đối mỗi đề thi tuyển sinh môn tiếng Anh, số lượng câu hỏi loại này chiếm 30 trong tổng số 80 câu hỏi của đề thi.
Câu hỏi Grammar & Vocabulary Question yêu cầu thí sinh nắm chắc kiến thức ngữ pháp cơ bản đã học ở chương trình phổ thông và nắm vững khối lượng từ vựng phổ biến (active vocabulary). Thí sinh phải hiểu được nghĩa cơ bản của câu được cho sẵn và lựa chọn từ vựng thích hợp trong số 4 phương án được cung cấp sao cho từ/cụm từ được chọn vừa phù hợp về nghĩa vừa chính xác về mặt ngữ pháp với câu đã cho.
Câu hỏi về chức năng ngôn ngữ mô phỏng một mẫu hội thoại ngắn của hai đối tượng đang tham gia giao tiếp để thực hiện một hành động lời nói (speech act) cụ thể. Trong câu hỏi này, phát ngôn của một trong hai đối tượng giao tiếp được cung cấp và thí sinh phải chọn lựa trong 4 phương án cho sẵn để hoàn thành phát ngôn còn lại. Để làm tốt phần câu hỏi này thí sinh cần nắm vững các cấu trúc đặc biệt của hành động lời nói, ví dụ cách thức thực hiện hoặc đáp lại lời đề nghị, lời khen, lời xin lỗi,… Các kiến thức này thường được trình bày trong phần Language Focus của sách Giáo khoa môn tiếng Anh như Tiếng Anh 10, 11, 12.
Thí sinh làm bài thi tại điểm thi Trường Đại học Khoa học- Đại học Huế trong kỳ thi tuyển sinh Đại học năm 2010. Ảnh: Thanh Vân
Loại câu hỏi thứ hai là câu hỏi kiếm tra kiến thức ngữ âm- cách phát âm các từ thông thuộc trong tiếng Anh. Loại câu hỏi này bao gồm hai nhóm câu hỏi nhỏ: Câu hỏi xác định trọng âm (Stress Pattern Questions) và câu hỏi phân biệt âm (Sound Differenciation Questions). Câu hỏi xác định trọng âm yêu cầu thí sinh nhận dạng từ có mẫu nhấn trọng âm khác với 3 từ còn lại. Để làm tốt phần này thí sinh cần đặc biệt lưu ‎ý các quy tắc nhấn trọng âm trong tiếng Anh.
Câu hỏi phân biệt âm yêu cầu thí sinh xác định được phần được gạch dưới nào của 4 từ được cho có cách phát âm khác với những phần được gạch dưới của các từ còn lại. Tất cả các phần được gạch dưới trong các từ được cho đều là những phần giống hệt nhau về spelling. Trong 4 phần từ được gạch dưới này có 3 phần được đọc y hệt nhau và một phần đọc khác 3 phần còn lại. Thí sinh cần nắm vững các trường hợp phát âm bất quy tắc (ví dụ khi nào h được đọc khi nào thì ở dạng âm câm-không được phát âm, hay lúc nào s được đọc là /s/ và lúc nào được đọc là /z/).
Loại câu hỏi phổ biến trong đề thi tuyển sinh môn tiếng Anh là câu hỏi nhận dạng lỗi (Error Recognition). Mỗi câu được cho sẽ có 4 phần gạch dưới. Thí sinh phải chọn được phần nào trong số 4 phần gạch dưới đó có chứa lỗi. Để làm tốt phần này thí sinh cần lưu ý các cấu trúc song song (ví dụ trước và sau and/or thường là những từ cùng từ loại-đều là danh từ, đều là động từ,…), thống nhất giữa chủ ngũ và động từ (subject verb agreement) và các cấu trúc đặc biệt khác.
Phần điền từ Gap Fill cung cấp bài đọc hiểu có các chỗ trống (gap). Mỗi chỗ trống sẽ có 4 phương án trả lời, thí sinh chọn một trong 4 phương án làm đáp án. Thí sinh cần xác định cấu trúc và nghĩa cơ bản của câu được cho, từ liền trước và sau của chỗ trống (gap) để lựa chọn chính xác. Nếu vẫn không xác định được thì thí sinh cần đọc thêm câu liền trước và liền sau của câu có chỗ trống để có thêm cơ sở chọn đáp án đúng.
Phần câu hỏi đọc hiểu (Reading comprehension) là một trong những phần chính của đề thi, thường gồm 20 câu, dựa trên hai bài đọc hiểu, mỗi bài có độ dài từ 500 đến 750 từ. Câu hỏi đọc hiểu gồm hai loại chính: Câu hỏi đọc hiểu truyền thống (Traditional Reading Comprehension Questions) và Câu hỏi đọc hiểu điền phần khuyết (Cloze Reading Comprehension). Câu hỏi đọc hiểu truyền thống cung cấp câu hỏi ở dạng hoàn chỉnh và cho 4 phương án trả lời. Câu hỏi đọc hiểu điền phần khuyết cung cấp câu phát biểu (statement) ở dạng không hoàn chỉnh. Thí sinh phải chọn một trong số 4 đáp án sao cho câu phát biểu hoàn chỉnh cả về phần ý, phù hợp với nội dung bài đọc và chính xác về ngữ pháp.
Để làm tốt loại câu hỏi này thí sinh cần nắm chắc thể loại câu hỏi. Xác định thông tin được hỏi là thông tin chi tiết hay thông tin chung. Nếu là thông tin chi tiết, thí sinh cần xác định từ khóa quan trọng (key word) của câu hỏi và định vị các từ khóa này trong bài để tìm thông tin trả lời và đối chiếu với 4 phương án được cho để chọn phương án phù hợp. Nếu là câu hỏi tìm thông tin chung như‎ ý chính của bài hay của đoạn thì thí sinh cần đọc kỹ 1-2 câu đầu tiên của đoạn/bài để nắm ‎ý chính, đối chiếu với đáp án và chọn đáp án phù hợp.
Thí sinh không nên tập trung quá nhiều thời gian để hoàn thành một phần nào đó trong bài thi mà trong quá trình luyện tập đối với các bài thi mẫu cần tập thói quen tự phân phối thời gian cho các phần hợp l‎y trong tổng số 90 phút của đề thi.
Đối với tất cả các phần thi của bài thi, thí sinh nên làm trước các câu mình cảm thấy chắc chắn, tự tin nhất. Những câu chưa trả lời được thí sinh cần ghi lại số câu trên giấy nháp hoặc đánh dấu trên đề thi để khi có thời gian sẽ quay lại kiểm tra kỹ hơn. Trước khi hết giờ 2-4 phút thí sinh cần khẩn trương chọn đáp án cho tất cả các câu hỏi còn lại dù chưa hoàn toàn tự tin với các phương án đó.
Báo Gia Lai mong nhận được những ý kiến của các giáo viên, học sinh, sinh viên về cách ôn và thi đạt kết quả tốt để mở rộng và rút kinh nghiệm cho đợt ôn thi đại học, cao đẳng năm 2011. Mọi đóng góp xin gửi về chuyên mục Đồng hành cùng mùa thi, Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku, Gia Lai; E-mail: baogialai@dng.vnn.vn, chebanbgl@yahoo.com.vn hoặc gldt_bgl@yahoo.com.vn.
 
Thanh Vân (thực hiện)


 


Có thể bạn quan tâm