(GLO)- Chúng tôi đến TP. Hà Giang đúng buổi trưa vào ngày cuối hạ, trời vẫn còn oi nồng. Sau bữa cơm vội vã, các đồng nghiệp Báo Hà Giang đưa chúng tôi vượt quãng đường đèo dốc hàng trăm km đến cao nguyên đá Đồng Văn. Qua cột cờ Lũng Cú, mặt trời đã xuống núi, anh em trong đoàn chuẩn bị tinh thần để vượt đèo Mã Pí Lèng về thị trấn Mèo Vạc. Cái tên Mã Pí Lèng không quá lạ lẫm với nhiều người nhưng nó luôn luôn đem đến cho tôi một cảm giác xa xôi và cách trở, gợi trí tò mò, muốn khám phá cái thế giới mà người ta thường gọi là Đệ nhất hùng quan hay là vua của các con đèo hùng vĩ phía Bắc nước ta. Đi xuyên trong màn đêm, chiếc đèn pha phía trước làm hạn chế tầm nhìn, chỉ biết con đường độc đạo này cao hun hút, quanh co, khúc khuỷu khiến anh tài xế lão luyện của chúng tôi luôn ở trạng thái căng thẳng. Chỉ tới khi về đến thị trấn Mèo Vạc thì mọi người mới thở phào nhẹ nhõm, biết mình đã vượt qua một con đèo ngoạn mục nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất.
Đèo Mã Pí Lèng. Ảnh: Thanh Phong |
Sáng hôm sau, chúng tôi quay lại Mã Pí Lèng để được mục sở thị Đệ nhất hùng quan lừng danh thiên hạ. Một sáng mai trong veo, con đường mềm như dải lụa quấn vào vách đá cheo leo. Những dãy núi xám xịt vút cao lên tầng không, mây trắng là đà ôm ấp những ngọn núi nhấp nhô như các đỉnh tháp chọc trời “mây đạp dưới chân, trời đụng trán”. Sông Nho Quế hiện ra như vệt chì màu ai vẽ dưới vực sâu. Con sông chia đôi dãy núi cao này và bên kia gần Sam Pun là cột mốc biên giới, có cửa khẩu qua đất Điền Bồng-Trung Quốc. Thật là bức tranh thiên nhiên toàn bích, khó có bút mực nào tả xiết. Tưởng rằng, chỉ có anh em trong đoàn là những người đi ngắm cảnh đèo đầu tiên trong ngày, không ngờ càng lên đến đỉnh chín khoanh (Cổng Giàng) thì du khách cả ta lẫn Tây từ khắp nơi túa về đông như trẩy hội.
Đèo Mã Pí Lèng được người địa phương ví như sống mũi con ngựa, chạy dài khoảng 21 km, qua 3 xã: Pải Lủng, Pả Vi và Xín Cái thuộc huyện Mèo Vạc-Hà Giang, nằm trong khu vực Công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn ở độ cao 2.000 mét so với mực nước biển. Các bạn Báo Hà Giang cho biết: Trước năm 1959, các dân tộc vùng biên giới Đông Bắc Tổ quốc chưa có con đường để qua lại giữa Hà Giang-Mèo Vạc-Đồng Văn. Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta cũng đã từng có mặt ở vùng Đông Bắc nhưng vẫn chưa thể thực hiện được con đường xuyên sơn quan trọng này. Đồng bào bấy giờ muốn băng qua con đường này phải đóng cọc đu mình lên đá vượt chín khoanh núi vô cùng hiểm trở. Chính chốn thâm sơn cùng cốc, đi lại khó khăn này mà nơi đây đã từng là địa bàn làm mưa làm gió của Vua Mèo và bọn thổ phỉ một thời. Để phá thế sơn cùng thủy tận, tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng đi lại thuận tiện, Nhà nước ta và Khu ủy Việt Bắc quyết tâm mở đường xuyên đèo Mã Pí Lèng. Từ năm 1959 đến 1965, cả vạn Thanh niên Xung phong của 8 tỉnh với 16 dân tộc anh em đã đu mình trên núi đá để xoi đường xuyên Mã Pí Lèng. Có thể nói, đây là con đường xuyên sơn kỳ vĩ nhất, khó khăn nhất chỉ bằng sức người với ý chí sắt đá. Con đường hoàn thành được mang tên Hạnh Phúc đã nói lên niềm vui sướng của các dân tộc vùng Đông Bắc này. Ban đầu, con đường chỉ được mở ra đủ để người đi bộ và ngựa thồ hàng, sau này dần dần có cơ giới hóa, con đường Hạnh Phúc được mở rộng để ô tô đi được như bây giờ. Tuy nhiên, con đường vẫn chưa thể nói là an toàn cho mọi phương tiện, có nhiều khúc cua tay áo rất hiểm nguy, hai xe ngược chiều tránh nhau đầy khó khăn và đã từng có những tai nạn đáng tiếc xảy ra trên cung đường này. Anh Minh-đồng nghiệp ở Báo Hà Giang đã kể lại câu chuyện mà chính mình từng là nạn nhân đi lại trên con đường Hạnh Phúc. Anh bị rơi xuống vực sâu khoảng 50 mét khi đi công tác trên chiếc xe con cùng với các đồng chí lãnh đạo huyện. Nhiều người trọng thương cùng chiếc ô tô bể vụn nhưng may mắn anh được “Giàng đỡ” nên chỉ bị thương nhẹ trong chuyến đi bão táp ấy. Đến bây giờ, đi qua con đèo này, anh vẫn còn sợ nhưng tin rằng mình không bao giờ chết vì tai nạn nữa bởi một lần được “thử sức” với vực sâu mà thần chết không gọi…
Có đạp chân đến Mã Pí Lèng mới cảm thức được sự hùng vĩ của vùng núi đá tai mèo với những khối núi đá khổng lồ dựng đứng như những bức tường thành thiên nhiên không gì lay chuyển mà người Pháp gọi là “Tượng đài địa chất”, mới nhận ra vẻ đẹp kỳ thú của con đèo ngoạn mục, được Nhà nước xếp vào di tích danh lam thắng cảnh quốc gia, xứng đáng đội vương miện “Hoa hậu” trong số 4 con đèo lưu danh phía Bắc: Ô Quy Hồ (còn gọi là đèo Hoàng Liên Sơn) trên quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Lai Châu; Pha Đin trên quốc lộ 6 từ Sơn La đi Điện Biên; Khau Phạ trên quốc lộ 32 ở Yên Bái từ Văn Chấn đi Mù Cang Chải và Mã Pí Lèng-Hà Giang. Đoạn thơ của tác giả nào không rõ, được các bạn ở Hà Giang đọc tặng cũng là để “khoe” cái đèo đẹp trong mơ của mình đã làm tôi háo hức được một lần đặt chân đến: “Đá và đá chất ngất cao hơn núi/Tận đỉnh trời núi chọc thủng tường mây/Chín khúc quanh như chín tầng mây phủ/Dòng sông xanh ngờm ngợp phía chân trời/ Mã Pí Lèng ơi là Mã Pí Lèng!/Tiếng khèn gọi như làn hơi mỏng/Con ngựa vàng vấp ngã chín vòng xoay”.
Dừng chân ở đỉnh chín khoanh (Cổng Giàng), tôi như quên đi sự hiện diện của mình bên cạnh hàng trăm du khách và dường như bị nhấn chìm trong một không gian của chốn thiên bồng với bao cảnh sắc tuyệt mỹ. Tôi đưa tay với áng mây là đà đang nô đùa, bên dưới thung sâu là dòng sông Nho Quế uốn lượn tạo nên cảnh đẹp sơn thủy hữu tình. Một cô gái người Hà Lan khá trẻ đẹp tươi cười như thỏa nguyện khi vừa lấy vài kiểu hình, bước ra từ đám đông đến bên chiếc xe máy dựng bên đèo, đã có cảm tưởng khi tôi hỏi: “Cô có cảm nghĩ gì khi đến đây ?”- “Ô, tuyệt vời! Tôi thật sự thích thú với phong cảnh nơi này”.
Nữ nhà báo Phương, dân tộc Tày-Báo Hà Giang, người hướng dẫn đoàn chúng tôi, luôn tự hào về cảnh sắc quê hương mình. Nhìn những nương ngô đang thì con gái và những ngôi nhà sàn cheo leo trên vách đá như tổ chim suốt dọc đường Hạnh Phúc, cô bảo: Rất tiếc là mùa này hoa tam giác mạch chưa nở. Các anh chị đi vào cuối thu đầu đông se se lạnh sẽ được thưởng thức những thảm hoa tam giác mạch hồng phơn phớt trải dài trên cao nguyên đá Hà Giang đẹp đến nao lòng. Và người dân tộc bản địa thường thu hoạch lúa mạch vào tháng 11-12 hàng năm để làm lương thực, đồng thời dùng trộn với ngô để chế biến thành loại rượu mạch-ngô thơm ngon làm say lòng người. Mới tháng 11 năm ngoái (2015), tỉnh Hà Giang lần đầu tiên tổ chức Festival Tam giác mạch, đã thu hút hàng vạn du khách về với cao nguyên đá Đồng Văn ngắm mùa hoa tam giác mạch khoe hương sắc và thưởng thức vẻ đẹp bản sắc văn hóa của những cư dân miền núi đá có một không hai.
Với một Mã Pí Lèng và con đường Hạnh Phúc, một Công viên Địa chất toàn cầu và mùa hoa tam giác mạch đã làm nên một Hà Giang đầy bản sắc. Dù mệnh danh là nơi thâm sơn nhưng đó là chốn bồng lai tiên cảnh, nhất là vào độ cuối thu đến đầu xuân năm sau, cảnh sắc nơi đây bừng lên những gam màu rực sáng thu hút bao bước chân lãng du lang thang cùng mây ngàn gió núi.
Ghi chép của: Bùi Quang Vinh