(GLO)- Vừa qua, chúng tôi đã tiếp cận vài bộ hồ sơ về quy hoạch, đề án chi tiết phát triển cây xanh đô thị Pleiku (tỉnh Gia Lai). Đó là một sự cố gắng của các ngành chức năng thành phố, là kỳ vọng cho thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe” trong tương lai gần. Tuy nhiên, chúng tôi thấy có những vấn đề cần trao đổi thêm.
Về mô hình cây xanh đô thị Pleiku, theo các tài liệu chúng tôi đã tham khảo với những điểm mới, hay có tính chất thử nghiệm, thì cách thiết kế chi tiết cảnh quan không trái với quy hoạch chung của không gian đô thị hiện trạng ở một số tuyến đường nội-ngoại thành theo hướng có cấu trúc không gian đặc trưng, tạo điểm nhấn cho đô thị, nhất là đô thị có nhiệm vụ thu hút khách du lịch và hướng đến “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Các thiết kế cảnh quan đa phần sử dụng một số loại cây vốn có tại địa phương vừa đảm bảo cây trồng phát triển tốt vừa mang tính bản địa. Thiết kế cảnh quan mới đã đưa ra phương án tốt hơn, đẹp hơn so với thiết kế hiện hữu trong việc lựa chọn các loại cây với tầng cao khác nhau, cây có hoa, cây tạo được điểm thu hút vào mùa đặc biệt; phối hợp các loại cây với nhau; tổ chức không gian cảnh quan đa dạng trên các trục; có làn đường dành cho người đi bộ, người khiếm thị.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, khi thiết kế cảnh quan cây xanh TP. Pleiku, chúng ta cần quan tâm đến các loài cây bụi, cây tầm thấp có hoa theo vỉa hè. Vì thế, khi lựa chon cây xanh để trồng, cần hướng đến các loại cây cho hoa theo mùa, phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu tiểu vùng Pleiku; đồng thời đảm bảo tính mỹ quan, là việc lựa chọn cây phù hợp với các khu vực đô thị, như màu sắc, hình dáng, kích thước, mật độ lá và chiều cao... của cây và hoa, tạo sự hòa hợp, đẹp mắt; mà lại không độc với con người; dễ trồng, ít công chăm sóc, có thể các loài cây, hoa, lá cho giá trị nhất định nào đó phục vụ lợi ích của người dân như gỗ, thực phẩm, làm thuốc trị bệnh... Điều này đã đạt được trong ý tưởng của dự án “Pleiku xanh” do Tiến sĩ Phùng Thị Kim Huệ-Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên làm chủ nhiệm.
Về kỹ thuật trồng, cần ứng dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc tiên tiến; phối sáng trong thiết kế cảnh quan, cần có thiết kế chiếu sáng đa dạng và hài hòa cho các thành phần cảnh quan khác nhau như cây vỉa hè, cụm cây, đường dạo, tiểu cảnh, ghế/bậc ngồi... vừa tạo mỹ quan vừa an toàn cho người sử dụng. Lựa chọn các phụ kiện cảnh quan như ghế nghỉ chân, đèn dạo, đèn đường, đèn chiếu cây không chỉ đẹp mà còn có tuổi thọ cao, chất lượng tốt với sức khỏe con người. Lát và bó vỉa hè, vật liệu phù hợp với các loại cây trồng, tránh tình trạng hư hỏng do rễ cây gây ra.
Một bản thiết kế của kiến trúc sư Hồ Vĩnh Anh về hệ thống cây xanh thuộc dự án “Pleiku xanh” . |
Tăng diện tích mảng xanh trong đô thị cả diện tích cỏ và cây bóng mát. Có thể kết hợp với mặt nước, đường dạo, sân chơi và các chức năng công cộng ngoài trời khác, bằng cách tăng số lượng cây bóng mát và diện tích tán lá được tăng lên, vì diện tích tán lá càng nhiều sẽ mang nhiều lợi ích môi trường. Cùng với đó, tổ chức các không gian xanh có quy mô, tính chất, chức năng và hình thái đa dạng như khu bảo tồn thiên nhiên, công viên trung tâm, công viên nội khu, không gian mở, cảnh quan vỉa hè và đường, cảnh quan đường dạo, cảnh quan công trình.
Cần bố trí các không gian xanh có quy mô, tính chất, chức năng và hình thái khác nhau đảm bảo sự tiếp cận của người dân. Theo các nhà khoa học, cứ trong 15 phút đi bộ sẽ có một không gian xanh 0,5-1 ha. Một việc nữa là cần chú ý đến sự kết nối sao cho tốt nhất có thể giữa hệ thống giao thông và không gian xanh công cộng. Tập hợp các quy trình quy hoạch nói trên, tạo ra không gian “rừng trong đô thị”. Trong “rừng” ấy, chúng ta hình dung có những loài cây mang đậm dấu ấn trong ký ức của công chúng, cây đã gắn liền với một sự kiện văn hóa, lịch sử, chính trị nào đó, như cây pơ lang, kơ nia, các loài cây như tre, trúc... góp phần làm nên chiến thắng trong các cuộc kháng chiến cứu nước của dân tộc ta.
“Quy hoạch hệ thống cây xanh đô thị là một phần quan trọng, thiết yếu của quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Hệ thống cây xanh, ngoài những tác dụng góp phần cải tạo chất lượng không khí, cải tạo nhiệt độ môi trường, giảm các yếu tố độc hại trong không khí, còn có những hiệu ứng đáng kể khác khi góp phần tạo lập nên những hình ảnh sinh động, hấp dẫn của bộ mặt không gian kiến trúc cảnh quan đô thị. Cây xanh còn tạo ra sức hút cho các không gian văn hóa, không gian sinh hoạt cộng đồng, các công trình thương mại, dịch vụ của đô thị”. (Trích tài liệu phục vụ hội nghị bàn tròn dự án “Pleiku xanh”). |
Đầu tư vào giá trị sáng tạo trong thiết kế cảnh quan như đã đề cập ở trên, tức là lựa chọn loại cây; quy cách cây; cây hoa và lá có màu sắc, hình dáng và kích thước đa dạng; vị trí trồng, đặt cây; phối hợp các loại cây khác nhau tạo được tầng lớp và mật độ đa dạng; tạo ra môi trường tự nhiên khỏe mạnh cho cây sinh trưởng. Kết hợp với các thành phần cảnh quan khác như mặt nước, bãi xe đạp, xe máy, ô tô, sân chơi, đèn đường, đèn khu đi dạo... Làm được như vậy, có thể thấy một đô thị văn minh, khoa học và đặc trưng của một thành phố cao nguyên, thu hút sự quan tâm tìm đến của du khách.
Hàng cây xanh tỏa bóng mát, góp phần làm cho đường phố Pleiku đẹp hơn. Ảnh: Đức Thụy |
Việc áp dụng các kỹ thuật và công nghệ mới để trồng và chăm sóc, di dời và thay thế cây tùy vào điều kiện và tính chất của không gian thiết kế và xây dựng cảnh quan nhằm đảm bảo cây phát triển tốt ở tầng trên và dưới-trên mặt đất, đứng vững, ít công chăm sóc và bảo dưỡng, giảm số lượng thay thế hoặc di dời, chặt bỏ. Đi đôi với đó là việc bảo tồn cây di sản vì ký ức đô thị và giá trị kinh tế/môi trường/xã hội/sức khỏe cho người dân và đô thị. Khoa học đã chỉ ra rằng, một cây xanh 50 năm tuổi mang lại 20% giá trị lợi ích trên, cây 100 tuổi sẽ đem đến 80% và cây 120 tuổi sẽ đạt 100%. Vấn đề rất khoa học này, lâu nay chúng ta chưa chú ý đến hoặc là chưa tìm hiểu và ứng dụng vào những chỉ tiêu cây xanh của đô thị. Cần nói thêm, tại nội thành Pleiku hiện còn khá nhiều cây cổ thụ. Tuy nhiên, việc chăm sóc, bảo vệ chúng chưa được quan tâm; “lý lịch” của cây chưa được chú ý “khai báo”, việc khai thác tiềm năng cây cổ thụ phục vụ du lịch chưa làm được.
Vấn đề nữa là phát triển nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng cảnh quan, trồng/di dời/thay thế và bảo vệ, chăm sóc cây; quản lý và vận hành hệ thống xanh. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để quản lý số lượng và sự sinh trưởng của cây xanh, cây trồng mới hay thay thế hay chặt bỏ. Có nghĩa là hãy làm “lý lịch” cho cây để dễ bề quản lý.
Đồng thời với những đề xuất nêu trên, chính quyền, cơ quan chức năng cần xây dựng các cơ sở pháp lý nghiêm ngặt để bảo vệ cây xanh. Hướng dẫn kỹ thuật hiệu quả cho việc thiết kế và xây dựng, bảo dưỡng và chăm sóc cây xanh theo từng chủng loại và loại/tính chất của không gian cảnh quan cụ thể. Đơn giản hóa và chuẩn hóa hệ thống quản lý và cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý hệ thống xanh. Ví dụ, ở Singapore, toàn bộ hệ thống xanh do tổ chức National Parks quản lý; hay ở London (Anh) do tổ chức Urban Forest quản lý. Kết nối sự tham gia và đóng góp của cộng đồng trong việc gìn giữ và phát triển hệ thống xanh; phát triển, nâng cao nhận thức từ việc giáo dục tình yêu và hiểu được giá trị lớn và lâu dài của hệ thống xanh mang lại cho cộng đồng.
ĐẶNG THANH HƯNG - TRƯƠNG NAM THUẬN - BÍCH HÀ