Để Pleiku trở thành "hạt nhân" về du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với người bản địa, cái tên Pleiku không còn xa lạ, song với khách thập phương đâu đó sẽ vẫn thắc mắc và tò mò. Người viết bài này chỉ xin gợi nhắc lại như một lời tri ân với cội nguồn rằng: Plei theo tiếng Jrai là thôn, làng; Ku nghĩa là cái đuôi; giải thích theo nghĩa gốc, Pleiku chính là “làng đuôi”.  
Đến với Pleiku, du khách sẽ cảm nhận được sự ấm nồng của những con người nơi đây sống hết mình, năng động, chan hòa và tình cảm. Danh thắng Biển Hồ được nhạc sĩ Nguyễn Cường ví như đôi mắt Pleiku vẫn vẹn nguyên hương sắc, hồ nước xanh trong như viên ngọc quý. Con đường dốc với hàng thông reo, hoa cỏ đua sắc tạo nên khung cảnh thơ mộng đến kỳ lạ, ẩn hiện giữa không gian mờ sương mỗi sáng sớm tinh mơ.
Tháng 9-2020, Pleiku đã được Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Để xứng tầm với danh xưng ấy, thành phố không ngừng đổi thay và phát triển về mọi mặt, nhất là cảnh quan đô thị, đường sá được mở rộng giúp thuận tiện trong giao thương và đi lại của người dân; khu dân cư, đô thị được quan tâm bố trí hợp lý, khoa học.
Quảng trường Đại Đoàn Kết được đầu tư mở rộng với diện tích hơn 12 ha, có dựng tượng Bác Hồ gợi nhắc đến tình cảm của Người đối với đồng bào Tây Nguyên. Cùng với đó là quần thể các bảo tàng, tượng Anh hùng Núp… đã tạo nên không gian đậm chất văn hóa-lịch sử dân tộc Việt Nam.
Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên
Phố núi Pleiku trên đà phát triển cũng xuất hiện nhiều hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại như: Siêu thị Vinmart, Co.op Mart, Trung tâm Thương mại Kim center Gia Lai, rạp chiếu phim, nhà hàng, quán cà phê độc đáo về cấu trúc, đa dạng về ẩm thực… đáp ứng nhu cầu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân. Chưa kể ở vùng ngoại ô thành phố, nhà hàng chuyên về không gian văn hóa truyền thống, ẩm thực mang đậm chất Tây Nguyên với gà nướng, cơm lam, lá mì, rượu cần do chính những bàn tay tài hoa của người con Jrai chuẩn bị, thực hiện và làm chủ.
Người viết bài này từng có cơ hội chuyện trò với anh Plit-chủ quán gà nướng cơm lam tại xã Tân Sơn. Sau gần 5 năm tích lũy kinh nghiệm làm nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, quán ăn lớn, anh và gia đình tự tin gây dựng quán gà nướng-cơm lam của riêng mình. Đến nay, anh Plit đã đầu tư mở rộng quán với diện tích hơn 3.000 m2 với 10 chòi gồm 16 phòng, gần 20 nhân viên phục vụ chủ yếu là người Jrai, Bahnar và Xê Đăng. Chia sẻ về kinh nghiệm làm dịch vụ, anh Plit cho hay: Mình tự bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng giao tiếp, phục vụ cho đội ngũ nhân viên, đồng thời tự trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng cho bản thân thông qua việc tham dự các hội thảo, hội nghị chuyên đề về lĩnh vực dịch vụ du lịch, ẩm thực… do tỉnh tổ chức.
Với tầm nhìn xa về tương lai của quán, anh chủ động trong việc tiếp thu các dịch vụ mới để áp dụng tại địa phương, nhất là tìm hiểu, tham quan một số địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch như TP. Đà Lạt để học hỏi cách tạo, bố trí không gian, cảnh vật về áp dụng cho quán của mình. Bên cạnh đó, anh Plit còn đầu tư nhà lồng để trồng rau sạch theo hướng hữu cơ, đồng thời liên kết với các hộ dân ở các làng thuộc xã Tân Sơn trong việc cung ứng nguồn gà nuôi thả vườn, rượu ghè, gạo nếp… giúp tạo thu nhập ổn định cho cộng đồng, xây dựng thương hiệu thực phẩm ngon, an toàn cho địa phương. Theo anh Plit, đây cũng là hướng đi mà tỉnh cần quan tâm trong việc đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, trong đó, cần chú trọng đến lợi thế của địa phương và nhu cầu của khách du lịch theo từng giai đoạn cụ thể.
Với tư cách người con Jrai quan tâm đến dịch vụ du lịch của Phố núi Pleiku, mong muốn tỉnh, lãnh đạo thành phố cần chủ động trong việc hoạch định rõ ràng cho con đường du lịch cộng đồng gắn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Jrai, Bahnar. Chú trọng việc khảo sát khả năng, nhu cầu làm dịch vụ du lịch trong cộng đồng qua đó có phương án hỗ trợ đầu tư kịp thời, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, tham quan của du khách như: homestay, khám phá văn hóa bản địa, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên…
Đồng thời, xây dựng, kết nối thông tin giữa những đơn vị lữ hành với các chủ nhà hàng, quán ăn góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, tránh bị động trong khâu chuẩn bị, kết nối khi có khách đặt tour. Duy trì tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn chuyên đề nhằm giới thiệu, chia sẻ thông tin về các sản phẩm du lịch, xu hướng phát triển của ngành dịch vụ du lịch trên thế giới, các nước khu vực châu Á, Đông Nam Á…
Để nâng tầm du lịch, đô thị Pleiku phải thực sự là trung tâm các sản phẩm dịch vụ du lịch để du khách trong tỉnh ưu tiên lựa chọn sử dụng khi không thể thực hiện những chuyến du lịch ngoài tỉnh, thường xuyên đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch, có kế hoạch tổng thể hàng năm cho các sản phẩm du lịch, chú trọng kết nối với sản phẩm du lịch của từng địa phương theo các mùa lễ, hội trong năm để tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa tỉnh và huyện về cách làm du lịch.
KSOR H’YUÊN