Đếm ngược đồng hồ...chờ Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sang Trung Quốc đúng vào dịp “Tuần lễ vàng” kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Nhà nước Trung Hoa và Tết Trung thu. Mọi cái đều khác lạ, khó khăn trước hết của chúng tôi là ngôn ngữ, để vượt qua rào cản ngôn ngữ không phải là một điều đơn giản chút nào.

Ngoài bài vở phải học trên lớp, chúng tôi liên kết với các sinh viên Việt Nam đã có thời gian và kinh nghiệm học ngoại ngữ ở bên này và tham gia Câu Lạc bộ tiếng Việt của các bạn sinh viên Trung Quốc tổ chức để tăng cường giao lưu, nâng cao khả năng giao tiếp của mình. Các bạn sinh viên Trung Quốc không phải ai cũng học chuyên ngành tiếng Việt Nam, mà có những bạn học chuyên ngành kinh tế, nông nghiệp, dược… nhưng vì yêu mến tiếng Việt cũng tham gia học một cách say sưa, làm chúng tôi rất cảm động, mặt khác các bạn cũng tương đối nhiệt tình, nếu cần phải đi tìm tài liệu học tập, hay đưa đi mua sắm một số vật dụng sinh hoạt hàng ngày thì các bạn đều sẵn sàng.

Người dân Trung Quốc chuẩn bị đón Tết. Ảnh: N.N
Người dân Trung Quốc chuẩn bị đón Tết. Ảnh: N.N

Về phía du học sinh là người Việt Nam ở Quảng Tây thì có Hội Lưu học sinh, trường nào cũng có một bộ phận đảm đương công tác này và do anh S. người của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam ở Quảng Tây phụ trách chung. Theo chúng tôi được biết, lưu học sinh Việt Nam theo học tại Trung Quốc tập trung chủ yếu là tại Quảng Châu và Quảng Tây, ở Bắc Kinh, Thượng Hải và các thành phố lớn có nhưng không nhiều vì mức sống khá cao, trong khi mức sống trung bình của lưu học sinh tại ở Quảng Tây là hơn 100 nhân dân tệ/ngày. Trường Đại học Quảng Tây nơi chúng tôi theo học là do anh T., hiện đang làm nghiên cứu sinh, anh là giáo viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đảm trách. Hôm chúng tôi mới đến, anh T. đã cắt cử ra một số anh em người Việt Nam bám sát để giúp đỡ chúng tôi khi cần thiết trong lúc còn “lạ nước, lạ cái”, từ đó làm chúng tôi cũng nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà.

Ấn tượng nhất đối với chúng tôi đó là môi trường học tập tương đối lý tưởng, kỷ luật rất nghiêm khắc, mỗi sinh viên đều phải nỗ lực thì mới “nuốt nổi” chương trình, nếu không muốn bỏ tiền túi học lại hoặc xách va li về nước, nên dù xa nhà, thiếu sự quản lý của gia đình nhưng đại đa số sinh viên trẻ ai cũng tự giác học tập đạt kết quả tốt nhất. Giá cả tại các trường đại học cũng tương đối hợp lý, tiền phòng khoảng 3.000 nhân dân tệ  (1 nhân dân tệ bằng 2.700 đồng)/kỳ học, tiền ăn khoảng 650 nhân dân tệ/tháng, các khoản sinh hoạt phí khác tầm 50 nhân dân tệ/ngày… là có thể “chịu đựng” được, nên số lượng lưu học sinh Việt Nam sang Quảng Tây học năm sau luôn cao hơn năm trước.

Do ở Quảng Tây, gần với quê nhà, nên các bạn lưu học sinh ở phía Bắc Việt Nam thi thoảng vẫn lên tàu hay xe ô tô liên vận về. Giá tàu, xe cũng không phải là đắt lắm, đi tàu từ Nam Ninh về Hà Nội là 147 nhân dân tệ, từ Hà Nội sang là 370 ngàn đồng, ô tô thì rẻ hơn một chút chỉ với 300 ngàn đồng, nhưng lại chạy ban ngày. Cho nên nỗi nhớ nhà không mấy khi thường trực trong các bạn. Đối với các bạn lưu học sinh sống ở miền Trung, miền Nam đại đa số là không về do đi lại nhiều chặng, tương đối bất tiện, vì vậy nhiều bạn, nhất là con gái cứ chiều chiều lại thơ thẩn, đi lại trong khuôn viên của trường, hay tụ tập đến phòng nào đó nói chuyện cho vơi đi ánh chiều không có hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Lớp chúng tôi lại nghĩ ra một cách, cứ cuối tuần vào chiều thứ sáu thì tổ chức “bữa cơm gia đình” mà chúng tôi vẫn nói đùa là “buổi đại tiệc ẩm thực Việt Nam”, thông qua người quen thường hay đi, về giữa Việt Nam và Trung Quốc, các bạn đã đặt các gia vị thuần Việt Nam để người quen mang sang như: Chanh, mắm tôm, riềng, sả, ớt ré, mắm Phú Quốc, gà đồi Lạng Sơn, kể cả rau sống made in Việt Nam, bánh nhúng Bình Định. Mọi người xúm vào làm cơm với các món ăn thuần Việt Nam, bữa cơm tuy rất đơn sơ song giàu ý nghĩa. Đối với các ngày lễ, Tết như Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4, Quốc khánh 2-9, Trung thu, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Ngày Nhà giáo Việt Nam… các lưu học sinh Việt Nam thường tổ chức dạ tiệc nhỏ theo điều kiện của mình và có mời giáo viên và các bạn sinh viên Trung Quốc tham gia.

Do Tết của người Trung Quốc trùng với Tết Nguyên đán của người Việt Nam, lại nghỉ học 1 tháng, nên khi Tết Nguyên đán đến, các lưu học sinh Việt Nam thường trở về nhà, các trường đại học ở Quảng Tây vẫn tổ chức xe ô tô để đưa lưu học sinh về nước với giá “mềm” hơn so với ở ngoài. Vậy nên Tết Dương lịch, hay còn gọi là “Tết sinh viên”, đối với lưu học sinh bao giờ cũng là kỷ niệm khó phai mờ. Tết Dương lịch được nghỉ 3 ngày, nên các lưu học sinh thường tổ chức đón “giao thừa” ở một địa điểm cố định nào đó, tổ chức đi thăm các danh lam thắng cảnh, đi công viên hoặc giao lưu với các bạn sinh viên Trung Quốc ở xa nhà không về. Riêng tôi, Tết Nguyên đán đã được đếm ngược từng ngày, lòng nôn nao với biết bao mường tượng khi đặt chân trở về Tổ quốc, trở về Gia Lai thân yêu và bước vào ngôi nhà của mình trong mùa Xuân ấm áp.

Nguyễn Xuân Phước

Có thể bạn quan tâm