Du lịch

Đền Đô-Di tích lịch sử và tâm linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây không lâu, trong một lần hành phương Bắc, tôi ngược Hà Nội về thăm Đền Đô ở phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh-nơi thờ 8 vị vua nhà Lý. Ông Nguyễn Đức Thìn-người coi đền đã 25 năm nay kể rằng, ông tự hào cái vinh, cái danh của nhà Lý mà tự nguyện là người coi đền không công. Ông tự hào về gia tộc họ Lý, bởi chính ông cũng là hậu duệ của họ Lý.

Ông lý giải dòng họ ông phải đổi thành họ Nguyễn, là vì những người mang họ Lý ở quê ông bị thời nhà Trần truy sát... Ông chính là cựu đội viên Đội Du kích thiếu niên Đình Bảng-là Anh hùng Lao động-Nhà giáo Nhân dân. Ông chia sẻ: “Cây có cội, nước có nguồn. Con người sinh ra nhờ có tổ tiên...”. Ông đã say sưa giới thiệu với du khách rằng đây không chỉ là di tích lịch sử văn hóa, nơi phát tích của dòng họ Lý, mà còn là nơi phong cảnh hữu tình giữa sắc nước trời mây.

 

Tác giả cùng ông Nguyễn Đức Thìn (bên phải) trước đền Đô. Ảnh: Q.N
Tác giả cùng ông Nguyễn Đức Thìn (bên phải) trước đền Đô. Ảnh: Q.N

Cùng với quần thể chùa chiền vùng quan họ, Đền Đô trở thành trung tâm của lễ hội tâm linh. Ngày rằm hay đầu tháng bà con đến thắp hương chiêm bái cầu nguyện. Ngày giỗ các vua Lý, các thánh như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Lý Đạo Thành… trở thành ngày mọi người dâng hương cầu cho quốc thái, dân an.

Đền Đô còn gọi là Cổ Pháp Ninh. Đền thờ 8 vị vua nhà Lý, nên còn có tên gọi là đền Lý Bát Đế. Năm 1952, giặc Pháp đã đánh chiếm và phá hủy Đền Đô, đến năm 1989, Đền được phục dựng lại hình mẫu xưa, nhưng to đẹp hơn.  

Tục truyền rằng, khi Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây có khu đất phía Đông Nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay); Thiền sư Lý Vạn Hạnh cho rằng đây là nơi hội tụ của thiên khí (nơi có thế 8 đầu rồng chầu về). Trước khu đất này có một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua.

Đến đây, Nhà vua đã dừng thuyền  Rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Thái Tổ băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, Ngài đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý.

 

Chụp ảnh lưu niệm tại Đền Đô. Ảnh: Q.N
Chụp ảnh lưu niệm tại Đền Đô. Ảnh: Q.N

Căn cứ vào các dấu tích, tài liệu và các hạng mục công trình nay đã được dựng lại thì Đền Đô có diện tích 31.250 m², gồm 21 hạng mục công trình lớn nhỏ. Khu  nội thành có diện tích khoảng trên 4.300 m², bố trí theo kiểu “Nội công ngoại quốc” được bao quanh tường gạch cao 3 mét, rộng 1 mét; có hai cửa ra vào. Nội thành lại được chia thành khu nội thất và khu ngoại thất.

Các công trình ở nội thất gồm: Hậu cung-nơi đặt ngai và bài vị thờ tám vị vua nhà Lý). Nhà Chuyền Bồng có kiến trúc chồng diêm 8 mái, các đầu đao uốn cong mềm mại. Ngoài ra còn có nhà để bia, nhà để ngựa, nhà để kiệu,... tất cả đều được xây dựng công phu, đắp, chạm khắc tinh xảo. Ngoại thất gồm nhà vuông, kiến trúc kiểu chồng diêm 8 mái, 8 đầu đao cong vút mềm mại. Khu vực này có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách, đền vua Bà (đền thờ Lý Chiêu Hoàng). Đền Đô với kiến trúc độc đáo mang tính giá trị nghệ thuật, cảnh trí hữu tình và mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa đậm nét của vương triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung.

Đến thăm Đền Đô ta còn được hiểu thêm rằng: Triều Lý khởi nghiệp kể từ Lý Công Uẩn đến đời Lý Chiêu Hoàng tròn 216 năm, tồn tại với 9 đời vua nhưng đền lại chỉ thờ có 8 vị vua-vì sao vậy? Cũng có một số lý giải khác nhau. Có người nói Lý Chiêu Hoàng tại vị chưa đầy 2 năm lại để mất ngôi báu không được thờ chung, mà phải thờ riêng ở đền Rồng ở phía Tây Cổ Pháp. Còn Điện thờ chính thờ 8 vua, ở hướng Đông-hướng mặt trời mọc. Bởi thế nhà Lý thực ra tồn tại chỉ có 214 năm, ứng với 214 chữ trong Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ! Đó cũng là “thiên mệnh”.

Du khách về đây sẽ được nghe câu chuyện lưu truyền về các bí danh của Bác Hồ mang họ Lý có sự tương phùng với vùng đất địa linh nhân kiệt này. Đó là 4 bí danh của Bác: Lý Thụy, Lý Mỗ, Lý Phát và Lý Nam. Sinh thời, Bác Hồ đã về thăm đền Đô cả thảy 4 lần. Lần thứ nhất là ngày 13-9-1945 (mồng 8 tháng 8 Âm lịch) là ngày giỗ Lý Thánh Tông; lần thứ hai là ngày 5-2-1946; lần thứ ba là 30-10-1946 và lần thứ tư vào ngày 17-2-1955, đã “Linh ứng với 4 lần Bác về thăm Đền Đô”, đây chính là kỳ duyên.

Đến với Đền Đô chúng tôi còn được nghe nhiều giai thoại về tâm đức của các vị vua Lý. Ông Nguyễn Đức Thìn-người coi đền đã kể tôi nghe về câu nói truyền chỉ bất hủ của Lý Thái Tổ trước lúc lâm chung: Khi Trẫm băng hà, các khanh hãy đưa ta về an táng tại quê nhà, đừng xây lăng mộ to mà tốn kém. Hãy đắp cho ta một ngôi mộ đất thật to, để cỏ mọc thật nhiều, cỏ nhiều thì mục đồng cho bò đến chăn, có mục đồng vui chơi quanh mộ ta thì ta đã thấy ấm áp rồi. Thật cảm động tấm lòng của bậc quân vương.

Quốc Ninh

Có thể bạn quan tâm