Kinh tế

Dệt may nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng 25%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

Bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 4,412 tỷ USD tăng 14,7% so với cùng kỳ.

Năm nay được dự báo tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, các đơn hàng xuất khẩu đều giảm ở 3 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu. Tuy nhiên, phát huy lợi thế cạnh tranh sẵn có và vượt qua mọi khó khăn, dệt may vẫn là một trong những mặt hàng có kim ngạch lớn nhất trong số các nhóm hàng xuất khẩu của nước ta.

Theo thống kê của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tính chung 4 tháng năm 2012 một số sản phẩm chính của ngành dệt may vẫn đạt tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ. Cụ thể: sản phẩm vải dệt từ sợi bông tăng 18,5%, vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo tăng 2,1% (trong đó vải của Tập đoàn Dệt may Việt Nam tăng 39,8%), quần áo cho người lớn tăng 9,4% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 4,412 tỷ USD tăng 14,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may về cơ bản giảm cả lượng và trị giá, trong đó bông giảm 35,7% về trị giá, giảm 10,2% về lượng; sợi các loại giảm 19,0% về trị giá, giảm 4,8% về lượng; vải giảm 6,8% so với cùng kỳ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các doanh nghiệp dệt may đang gặp khó khăn về lao động, vốn và đơn hàng, những khó khăn trong việc nhập khẩu bông do thuế suất tăng từ 0% - 10% khiến các doanh nghiệp phải tăng giá sản phẩm và giảm khả năng cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và thị trường thế giới. Cùng với đó, những thị trường xuất khẩu chính của ngành là Mỹ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản tiếp tục chính sách thắt chặt tài chính, tiết kiệm chi tiêu nên ảnh hưởng không nhỏ đến thị phần xuất khẩu của ngành.

Ông Thân Đức Việt, Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho biết, năm nay là một năm đầy khó khăn với tất cả các doanh nghiệp trong nước, trong đó có dệt may. Trước tình hình này, công ty luôn nỗ lực cân bằng thị phần ở các thị trường lớn. Với truyền thống, uy tín về thời trang công sở, trang phục không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu, công ty vẫn đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng 15% so với năm ngoái.

Ông Thân Đức Việt nói: “Chúng tôi khai thác thêm các sản phẩm mới, các khách hàng mới và các nguồn hàng mới. Cạnh đó, mở rộng và theo sát hơn chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì. Đối với thị trường như Nam Mỹ, Châu Phi và Trung đông, chúng tôi đã có chuyến đi khảo sát và giao dịch đối với khách hàng này. Năm nay chúng tôi sẽ tập trung vào thị trường mới này và hy vọng sẽ có nhiều đơn hàng xuất đi trong thời gian tới”.

Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, bài học thành công nhất của năm 2011 là công tác dự báo thị trường khá chính xác và khai thác tốt các thị trường mới nổi. Do đó, sự tăng hay giảm đột biến của thị trường nguyên liệu cũng được doanh nghiệp hạn chế tối đa thiệt hại.

Phát huy những kết quả đạt được trong năm qua, cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp dệt may, mục tiêu xuất khẩu 18,5 tỷ USD trong năm nay sẽ đạt được. Ông Trường cho biết, song song với việc tăng cường xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường, gia tăng hàng xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang một số nước thông qua các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Chính phủ ký kết với các nước, đặc biệt là Hàn Quốc- một trong những thị trường tiềm năng của ngành dệt may Việt Nam.

Trong thời gian tới ngoài việc khai thác FTA đang có, ông Trường cho biết, đang chuẩn bị phương án kinh doanh FTA đang trong thời kỳ thương lượng đặc biệt là hiệp định đa phương PPP nếu được ký kết thành công giữa chính phủ ta và 8 chính phủ của các nước khác tham gia vòng đàm phán thì thực sự đem lại cơ hội cho mới rất sáng sủa cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là các hàng dệt may.

Bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới, bối cảnh kinh tế khó khăn tiếp tục tái diễn, do vậy rất cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Về phía Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhằm đảm bảo ổn định và phát triển sản xuất, đặc biệt các ngành công nghiệp chế biến và các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu.

Nhấn mạnh vào công tác xúc tiến thương mại, bà Phan Diệu Hà cho biết: “Trong năm nay, Bộ Công Thương sẽ triển khai chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 01, trong đó có giải pháp về đẩy mạnh xuất khẩu và tập trung vào những vấn đề như mở rộng thị trường, khai thông thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các chương trình về xúc tiến thương mại và thông qua hệ thống thương vụ để chúng tôi có những thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp và định hướng cho doanh nghiệp trong việc xuất khẩu. Thứ 2 là có cảnh báo đối với những vấn đề về khó khăn trong từng thị trường xuất khẩu để các doanh nghiệp căn cứ vào đó có định hướng để ký kết hợp đồng cũng như là đưa hàng đến thị trường nào thuận lợi...”.

Hiện nay, Chính phủ  đang tích cực đàm phán để sớm ký kết các hiệp định song phương với Nhật Bản, Liên minh châu Âu và đặc biệt là gia nhập Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương, mở rộng thị trường và tạo thêm sức mạnh cho ngành dệt may. Các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần hợp tác mở rộng thị trường, xây dựng và kiện toàn hệ thống phân phối, xây dựng thương hiệu hàng Việt và cần kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này để tận dụng cơ hội từ các hiệp định mang lại.

Theo VOV

Có thể bạn quan tâm