Phóng sự - Ký sự

Đi tìm báu vật của vua Hàm Nghi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Có lẽ trên thế giới này không ở đâu có một bảo tàng kỳ lạ giữ gìn và bảo vệ báu vật của vị vua yêu nước bằng người dân ở một ngôi làng hẻo lánh thuộc huyện Hương Khê-Hà Tĩnh. Đó là thôn Phú Hòa, xã Phú Gia, huyện Hương Khê.

Ở Phú Gia (Hương Khê) hiện nay có di tích thành Sơn Phòng của vua Hàm Nghi nằm trong quần thể di tích lịch sử-văn hóa, năm 2008 được phê duyệt dự án trùng tu xây dựng tôn tạo với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Thành Sơn Phòng là một công trình quân sự độc đáo, là đất địa linh nhân kiệt, nơi vị vua trẻ Hàm Nghi chọn làm đại bản doanh chống thực dân Pháp.

 

Tác giả trước đền thờ vua Hàm Nghi.

Khi đi tìm báu vật của vua Hàm Nghi, ngoài việc tìm hiểu về cuộc đời của vị vua yêu nước và căn cứ địa thành Sơn Phòng, chúng tôi rất quan tâm đến xã Phú Gia, địa phương cất giữ báu vật. Phú Gia tiếp giáp dãy núi Giăng Màn, có thác Vũ Môn với sự tích “Cá Chép vượt Vũ Môn” nổi tiếng sát biên giới Việt- Lào.

Đặc biệt ở đây có đền Trầm Lâm, có giếng Trăm Năm. Ngoài ra còn có đền Công Đồng và đền Trại Trụ (còn gọi là đền Ngàn Trụ). Đền Trầm Lâm là ngôi đền thiêng, có liên quan đến sử tích báu vật của vua Hàm Nghi. Tương truyền, đêm 20-9-1885, trời không trăng, không sao, vua Hàm Nghi nằm ngủ tại thành Sơn Phòng thì mộng thấy một phụ nữ mặc áo đào đến bảo: Ngài hãy rời khỏi nơi này, bọn “bạch quỷ” (tức giặc Pháp) đang vây bắt ngài, cần phải định liệu.

Tỉnh dậy, vua Hàm Nghi hỏi ở đây có đền thờ nữ thần nào không, nhân dân cho biết cách đây không xa có đền Trầm Lâm thờ một nữ thần, đến nay nổi tiếng linh thiêng được nhân dân tôn thờ. Nhà vua mời gọi các cận thần lại thông báo giấc mộng và giao cho Tôn Thất Thuyết chuẩn bị sắc phong cùng các lễ vật tạ lễ ở đền Trầm Lâm. Ngày 25-9-1885, vua ban sắc phong cho nữ thần tại đền Trầm Lâm chức “thượng thượng đẳng tối linh thần” kèm theo những phẩm vật quý giá như vi bố (màn bằng gấm có gắn 35 lục lạc bằng đồng dùng cho vua), áo mũ triều thần 8 bộ, cờ lộng, tàn quạt 20 chiếc, 2 con voi bằng vàng, 1 con voi bằng đồng, 2 bảo kiếm lưỡi bằng sắt cán bằng gỗ chạm hình rồng phượng sơn son thiếp vàng.

 

Ba con Voi trong bộ báu vật.

Theo lời những vị cao niên của làng Phú Hòa thì những vật báu này đã được gìn giữ trong làng gần 130 năm. Điều đặc biệt là người dân bảo tồn vật báu bằng cách chuyền tay nhau. Lễ làng quy định nếu không có gì thay đổi thì 2 năm 1 lần làng sẽ làm lễ chọn cố đạo mới giữ cổ vật. Việc tuyển “nhân sự” cũng khá khắt khe: Cố đạo phải là người làng liêm khiết, cẩn thận, con cháu hiếu thảo và vợ… còn sống(!). Người giữ chức cố đạo không chỉ nhận được sự tín nhiệm của dân làng mà phải được sự “chấp thuận” từ các vị thần linh.

Để chọn được một cố đạo, làng chọn ra ba cụ xứng đáng nhất. Khi đã có “ứng cử viên” làng tổ chức sắm lễ bao gồm: hương, hoa, quả, phẩm, trà, tửu để làm lễ hạ nguyên (hạ keo). Sau ba lần xin quẻ cho mỗi ứng viên, ai được sự đồng thuận nhất của thần linh thì làm cố đạo (đạo chủ), lúc đó các báu vật và bàn thờ vua Hàm Nghi sẽ được chuyển về nhà cố đạo mới. Nếu thánh thần đã “ứng chứng” nhưng chưa “ứng chức” thì cố đạo cũ tiếp tục công việc. Chính vì tính nghiêm trang và sự tuyển chọn khá nghiêm ngặt về luật lệ và tâm linh mà ai được bầu làm cố đạo đều được làng tôn vinh và quý trọng như già làng ở Tây Nguyên vậy.

Chúng tôi tìm đến nhà cố đạo Lê Khắc Tùng vào dịp đầu năm Rằm tháng Giêng. Cụ Lê Khắc Tùng khoảng 75 tuổi, da dẻ đỏ au, khuôn mặt phúc hậu. Cụ là thành viên Câu lạc bộ thơ Đường của huyện. Nhà cụ Tùng có vườn rộng, cây cối sum suê, đặc biệt là có cả một rặng cau cao vút. Trong ngôi nhà nhỏ vách gỗ lợp ngói đã ngả màu rêu có gian thờ vua Hàm Nghi ở giữa, trên bàn thờ có di ảnh của Ngài và đặc biệt hương vòng lúc nào cũng đỏ.

Báu vật của vua Hàm Nghi được cất giữ cẩn thận trong két sắt, nghe nói ngày trước các cụ còn khoét cả cột nhà gỗ, báu vật được luồn vào trong ốp gỗ lại, trát nhựa thông ngoài cùng màu gỗ liền phẳng không còn dấu vết. Những năm chiến tranh, máy bay Mỹ đánh phá ác liệt vào làng, kể cả những năm tháng đói nghèo nhất, dân làng cũng không bao giờ chịu mất báu vật, chịu đổi báu vật để lấy gạo cứu đói.

Để tận mắt xem và chụp ảnh được các báu vật, chúng tôi phải xuất trình thẻ nhà báo và phải liên hệ nhờ người của Phòng Văn hóa dẫn đi. Két sắt phải có mấy lần chìa khóa mới mở được, trong đó huyện giữ 1 chìa, cụ cố đạo giữ chìa kiểu khác. Trước khi mở báu vật, cụ Cố đạo thay bộ quần áo lễ, đánh một hồi chuông, ba hồi trống rồi ngồi xuống chiếu gõ mõ và vái lạy thần linh để lo “phần âm” sau đó mới xin quẻ.

Có nhiều đoàn kể cả cán bộ lãnh đạo cất công về đây, khi vào làm thủ tục xin quẻ gieo đôi đồng tiền 3 lần không được chấp thuận thì đành phải quay về vì luật lệ “tâm linh” đã có như thế từ lâu phải chấp nhận. Thật may mắn chúng tôi như một cơ duyên được cho xem báu vật sau khi xin quẻ ứng thuận. Cụ Lê Khắc Tùng và một vài người dân láng giềng trải chiếc khăn đỏ lên bàn giới thiệu cho chúng tôi từng loại báu vật: trong hộp thiếc ba con voi hiện ra, 2 vàng và 1 đồng. Voi bằng đồng được đúc theo tư thế voi đang lâm chiến, vòi dài uốn cong vào tai phải, áp tai sát cổ, ngà cụt. Thân hình voi gầy, toàn thân lấm chấm lông.

Voi vàng tạc theo tư thế đứng nhàn nhã, vòi buông thẳng, ngà nhọn, mặt tròn có nịt cổ và mang ngai vàng trên lưng. Ba con voi, con lớn nhất cao 4 cm, lưng rộng 2,5 cm; con nhỏ nhất cao 2,5 cm, dài 3 cm, lưng rộng 1 cm. Báu vật còn có nghê đồng và chuỗi lục lạc 35 cái gắn màn gấm. Cụ Lê Khắc Tùng bảo: Sở dĩ có gắn lục lạc để phòng an ninh khi có kẻ đột nhập lật màn lập tức lục lạc kêu báo động cho quân cảnh vệ.

 

Bộ lục lạc trong bộ báu vật.

Đã bao nhiêu năm trôi qua, màu đồng nguyên chất đã phai của từng hạt lục lạc nhưng lạ thay những bộ áo mũ triều thần, đặc biệt là hai chiếc áo Hoàng bào, chiếc áo lót của đức vua vẫn nguyên màu vàng tươi. Cố đạo Lê Khắc Tùng lấy ra 37 đạo sắc phong rực rỡ hoa văn. Trong những sắc phong ấy có sắc phong của chính vua Hàm Nghi phong thần cho “Hầu công kiến quốc nguyên Huân Dương chính tướng quân” ghi rõ: Hàm Nghi nguyên niên cửu nguyệt, nhị thập ngũ nhật, tức là ngày 25-9-1885. Vậy là hơn 128 năm trôi qua, ngày đó giữa muôn trùng gian khó giữa rừng sâu bủa vây quân thù nhưng vua vẫn không quên những tấm lòng tận tụy vì nước vì dân mà ban sắc phong này cho Dương tướng công- vị tướng trấn ải biên cương tổ quốc thời Lê!

Chúng tôi băn khoăn trước gian nhà đơn giản, cổng vào ra chắn bằng tấm tre đan, cố đạo lại già, việc bảo vệ báu vật chắc không thể đảm bảo như các bảo tàng có thiết bị hiện đại canh phòng cất giữ. Cụ Tùng cười: “Không lo chi mô, hàng đêm tôi vẫn ngủ ở đây để giữ quý vật đó”. Nói rồi cụ Tùng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện được lưu truyền ở đây như một huyền thoại mà có thật: “Không ai dám lấy báu vật mô, lấy là chết đó! Này nhé, năm 1936 một trong hai con voi vàng bị Lê Yêm, con trai của cố đạo giữ báu vật Lê Triết mang sang Lào bán để lấy tiền mua đàn bò.

Nhưng trên đường trở về Lê Yêm bị một con bò húc vào bụng chết ngay tại chỗ, kẻ đồng mưu với Lê Yêm là Lưu Duyên ở nhà bỗng nhiên phát điên. Kinh hãi vì cảnh ấy, người vợ của Lưu Duyên đã chết đứng, gia đình người Lào cũng gặp họa, sau khi biết được tin này hoảng sợ, làm lễ mang voi vàng trả lại cho dân làng Phú Gia.

Chia tay với ông bà cụ Cố đạo Lê Khắc Tùng và những người dân láng giềng của cụ ở ngôi nhà đơn sơ “bảo tàng của lòng dân” giữ báu vật của vua Hàm Nghi, tôi nhớ mãi hai câu thơ Đường luật của cụ Lê Khắc Tùng trong bài “Bạn và thơ”: “Sông Tiêm ấp ủ lòng thương nhớ-Ngàn Trụ ân tình dạ vấn vương”. Một tâm hồn thơ thắm thiết hồn quê và sâu thẳm là đức tin vào cội nguồn dào dạt như thế xứng đáng là người thay mặt dân làng gìn giữ báu vật, gìn giữ hồn làng hồn nước cho các thế hệ mai sau.

Nguyễn Ngọc Phú-Quốc Huy

Có thể bạn quan tâm