(GLO)- Mỗi khi nghe bài hát “Đi để trở về” của ca sĩ Soobin Hoàng Sơn, tôi lại nhớ đến cô bạn thân của mình. Chúng tôi học cùng trường THPT và cùng trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh. Đây là khoảng thời gian đủ dài để tôi hiểu được ý chí, nghị lực của bạn đối với việc đặt mục tiêu trong cuộc sống.
1. Bạn tôi gần như chưa bao giờ đi học thêm. Những năm tháng sinh viên, khi chúng tôi chạy đôn chạy đáo để theo học tại các trung tâm ngoại ngữ hòng kiếm tấm chứng chỉ đủ chuẩn ra trường thì bạn cần mẫn, chăm chỉ trên giảng đường, sắp xếp thời gian tự luyện các kỹ năng môn Tiếng Anh. Điểm số từng môn kỹ năng ngoại ngữ trong chương trình học của bạn luôn trên 9 điểm. Cuối năm 3, bạn thi TOEIC với 925 điểm trong sự ngưỡng mộ của chúng tôi. Cô ấy từng nói muốn trở thành một biên dịch giỏi và mỗi ngày đều kiên trì trên con đường đến ước mơ của mình.
Sau khi ra trường, chúng tôi về quê làm việc, riêng bạn tiếp tục tìm kiếm cơ hội nâng cao kỹ năng biên dịch ở thành phố mang tên Bác. Lúc này, bạn đặt thêm mục tiêu là tích lũy tiền đủ mua một mảnh đất nhỏ gần nhà bố mẹ ở quê, có một khoản tiết kiệm để sống đủ và phụng dưỡng cha mẹ. Và suốt gần 10 năm qua, bạn chưa bao giờ đi chệch hướng. Ngoài tham gia dịch các hợp đồng, nội dung cho các công ty nước ngoài, bạn tôi còn nhận làm phiên dịch để không ngừng trau dồi kiến thức cũng như có thêm thu nhập. Đầu năm 2020, bạn nhắn cho tôi: “Tao về rồi. Lần này về thật”.
Giờ đây, trên khoảnh đất nhỏ gần nhà bố mẹ, bạn xây một căn nhà nhỏ xinh. Mỗi ngày, bạn vẫn bận rộn với các hợp đồng dịch thuật, thu nhập đều đặn song không còn quá áp lực bởi môi trường cạnh tranh khốc liệt. Hơn hết, bạn đã thực hiện được mục tiêu mà mình đặt ra từ những tháng năm tuổi trẻ.
2. Trâm Anh là cô bé cùng xóm, nhỏ hơn tôi vài tuổi. Vào TP. Hồ Chí Minh học đại học, Trâm Anh nhanh chóng tham gia các câu lạc bộ công tác xã hội, các nhóm từ thiện và chưa bao giờ mệt mỏi với hành trình ấy. Sau khi có đủ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức các hoạt động từ thiện, cô gái nhỏ nhắn ấy thành lập đội và bắt đầu hành trình đến với các em nhỏ, người nghèo nơi quê nhà. Cứ mỗi mùa Trung thu, dịp gần Tết cổ truyền, đội của Trâm Anh lại tổ chức chương trình gây quỹ. Toàn bộ số quỹ được dùng để mua quà tặng các em thiếu nhi hay bà con vùng khó tại huyện nhà.
Sau một thời gian, Trâm Anh chọn điểm đến là Lâm Đồng, ngày ngày cần mẫn làm một người nông dân thực thụ. Hỏi chuyện thì tôi được biết, sau khi về thăm nhà, Trâm Anh nhận thấy quê mình rất hợp để trồng rau công nghệ cao. Và, để nhanh chóng thực hiện những dự định của mình tại quê hương, Trâm Anh khăn gói lên đường đến Đà Lạt để tham quan, học hỏi. Mỗi ngày, cô đều tự mình trải nghiệm tất cả công đoạn sản xuất của một nhà vườn, từ khâu xuống giống cho đến khi đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Giờ đây, Trâm Anh vẫn đang tiếp tục trên con đường trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng, đợi ngày “đủ lông đủ cánh” bay trở về, giúp mình và nhiều người khác làm giàu trên chính nơi mình sinh ra.
3. Nhà soạn nhạc người Mỹ Kate Douglas Wiggin từng nói: “Có một loại phép thuật đó là đi xa hơn nữa sau đó trở về và hoàn toàn thay đổi”. Mỗi chuyến đi, mỗi hành trình đều đem lại những trải nghiệm mới, làm nên sự thay đổi nhất định trong suy nghĩ, tư tưởng của mỗi người. Khoảng thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành ở các thành phố lớn càng khiến tôi thấm thía ý nghĩa của việc “đi xa để trở về”. Ngày ngày, đọc tin tức hàng ngàn công dân rời khỏi các tỉnh, thành phía Nam về quê tránh dịch mới thấy, dù đi muôn phương, lúc thành công hay khi bức bí nhất, quê nhà luôn là lựa chọn đầu tiên và tốt nhất để trở về. Tôi biết rằng, trong hàng chục ngàn người đó, có người rồi sẽ trở lại nơi đất khách để mưu sinh, nhưng cũng sẽ có hàng ngàn người quyết định ở lại quê nhà. Họ sẽ tiếp tục sử dụng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được sau bao năm làm ăn xa để gầy dựng sự nghiệp, kiến thiết cuộc sống mới ngay trên mảnh đất quê hương.
PHƯƠNG VI