(GLO)- Tuy mới chỉ xuất hiện trong năm nay, song bệnh dịch tả heo châu Phi đã lây lan hầu khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Hậu quả nhãn tiền là người chăn nuôi bị thiệt hại rất lớn khi hàng trăm ngàn con heo bị bệnh, chết buộc phải tiêu hủy, hoạt động chăn nuôi bị gián đoạn hoặc đình trệ. Ở tầm vĩ mô, dịch tả heo châu Phi gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thị trường thực phẩm trong nước.
Tại Gia Lai, tính đến ngày 7-8, dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 33 xã, phường, thị trấn thuộc 10 huyện, thị xã. Theo đó, tổng số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 3.814 con với trọng lượng 178.284 kg. Hiện chỉ còn TP. Pleiku và các huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Đak Pơ, Kông Chro, Chư Pah và Chư Sê là chưa có dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, với mức độ lây lan nhanh như hiện nay thì những “thành trì” cuối cùng này liệu có giữ vững trong thời gian tới?
Cán bộ Trạm kiểm soát dịch bệnh động vật Song An (thị xã An Khê) kiểm tra heo vận chuyển từ Bình Định lên các tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: N.D |
Để phòng-chống dịch tả heo châu Phi, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành chuyên môn cùng các địa phương đã tiến hành công bố dịch và triển khai các biện pháp như: tiêu hủy heo bị bệnh; tiêu độc khử trùng khu vực có dịch; lập chốt kiểm soát việc vận chuyển heo và sản phẩm từ heo… Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, các giải pháp được triển khai trong thời gian qua còn mang tính bị động. Theo đó, công tác truyền thông hướng dẫn người chăn nuôi về cách phòng ngừa dịch tả heo châu Phi vẫn chưa được triển khai một cách thường xuyên, liên tục. Để kịp thời đưa thông tin đến bạn đọc, phục vụ người dân, các cơ quan truyền thông chủ yếu “chạy theo” ngành chức năng. Trong khi ở chiều ngược lại, các cơ quan truyền thông không hề nhận được bất kỳ đề xuất nào từ phía ngành chức năng về việc đăng, phát các thông tin khuyến cáo, hướng dẫn người chăn nuôi nhằm ứng phó với dịch tả heo châu Phi.
Để ứng phó, ngăn chặn dịch tả heo châu Phi đang lây lan trên phạm vi toàn quốc, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ các hộ có heo bị bệnh hoặc chết buộc phải tiêu hủy và người tham gia phòng-chống dịch. Căn cứ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ, người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy trên địa bàn tỉnh từ ngày 14-5 đến hết ngày 26-6-2019 được áp dụng mức hỗ trợ 32.000 đồng/kg đối với heo con, heo thịt các loại; 64.000 đồng/kg đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác. Trường hợp người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy từ ngày 27-6 thì thực hiện hỗ trợ từ nguồn kinh phí phòng-chống bệnh dịch tả heo châu Phi theo quy định tại Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ; mức hỗ trợ là 25.000 đồng/kg heo hơi đối với heo con, heo thịt các loại; 30.000 đồng/kg heo hơi đối với heo nái, heo đực đang khai thác. Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Gia Lai, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay, các hộ chăn nuôi heo bị thiệt hại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp cận được với tiền hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh khốn khó vì mất vốn và hoang mang vì phải mỏi mòn chờ đợi việc thực thi chính sách của các cấp chính quyền.
Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành cho rằng, việc triển khai hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi ở tỉnh ta là quá chậm. Chủ tịch UBND tỉnh so sánh: Đak Lak là địa phương xuất hiện dịch tả heo châu Phi sau Gia Lai nhưng đến thời điểm ấy, họ đã bắt đầu cấp tiền hỗ trợ cho dân. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành, các ngành chức năng và địa phương phải “ngồi lại” để lo cho dân. Song, đến nay, cái sự “ngồi lại” ấy vẫn chưa mang lại kết quả trên thực tế. Liệu những cơ quan thực thi chính sách có nhận ra trách nhiệm của mình?
DUY LÊ