Điểm sáng phong trào Đoàn vùng dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phong trào Đoàn vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai đang từng bước có những khởi sắc, với nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa và thiết thực. Qua đó, thu hút đông đảo thanh niên tham gia hoạt động, tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên.

Làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa những ngày đầu năm 2012 nhộn nhịp như mở hội. Thanh niên trong làng tập trung đông đủ, ai ai cũng hồ hởi, hăng hái tham gia làm đường. Đây là năm thứ tư liên tục, thanh niên Dơk Rơng tổ chức hoạt động này và nhờ đó, 4 km đường nhựa đã được hoàn thành. Với tiến độ này, chỉ một năm nữa, toàn bộ các ngả đường làng Dơk Rơng sẽ hoàn thành trải nhựa.

Chuyện làm đường ở Dơk Rơng không đơn giản. Vì tuy rằng, Nhà nước đã rót phần lớn kinh phí, nhưng dân làng cũng phải bỏ ra phần đối ứng, gọi là Nhà nước và nhân dân cùng làm. Vốn ở đâu ra đến 100 triệu đồng mỗi năm? Đây thật sự là bài toán rất khó đối với một thôn thuần nông như Dơk Rơng. Thế nhưng thanh niên trong làng đã giải được bài toán này, nhờ chính vào sức trẻ của mình. Anh Phyơm-Bí thư Đoàn Thanh niên làng Dơk Rơng cho biết: “Bọn mình không có tiền. Chỉ có sức khỏe, và sức khỏe chính là tiền. Mình tập trung thanh niên đi làm cỏ, làm vườn thuê, tiền ấy bỏ vào quỹ Đoàn.

 

Thanh niên hăng hái làm đường. Ảnh: Công Bắc
Thanh niên hăng hái làm đường. Ảnh: Công Bắc

Đặc biệt, mọi người trong làng tin tưởng, cho riêng thanh niên hơn 1 ha đất. Thanh niên mình trồng cà phê, phân công cụ thể, đồng đều cho đoàn viên, thanh niên chăm sóc. Vườn cà phê này được đặt tên là vườn Đoàn, vườn Hội. Sau khi thu hoạch, bán đi, tiền ấy cũng bỏ vào quỹ Đoàn. Bây giờ thì quỹ Đoàn của mình chủ yếu từ vườn Đoàn, vườn Hội. Cách làm của thanh niên làng mình là vậy”.

Cách tạo quỹ hoạt động của thanh niên làng Dơk Rơng là cách làm hay và mang lại hiệu quả thiết thực cho nên đông đảo thanh niên các làng trong xã Glar cũng học tập và nhân rộng. Hiện đã có 5 làng trong xã thành lập được vườn Đoàn, vườn Hội và có cách hoạt động giống làng Dơk Rơng. Cũng qua đó, có gần 7 km đường giao thông trong xã được nhựa hóa nhờ công sức của thanh niên.

Để hoạt động Đoàn thêm sôi nổi, chi đoàn các làng trong xã Glar còn tổ chức nhiều hoạt động khác. Như Đoàn Thanh niên làng Groi 1 mua hẳn một dàn trống, ghi ta, loa... các loại nhạc cụ để làm một dàn nhạc đám cưới. Thanh niên nào trong làng lấy vợ, lấy chồng thì dàn nhạc và tất cả đoàn viên, thanh niên trong làng lại xông xáo đến giúp tổ chức. Các đám cưới của thanh niên qua đó cũng giảm bớt chi phí mà lại vui hơn.

“Hoạt động Đoàn, Hội vui, thiết thực nên thanh niên trong làng ai cũng nhiệt tình tham gia. Từ đó, mình triển khai hoạt động gì cũng dễ. Thanh niên làng mình hiện có khoảng 60 người, và cũng đã góp vốn làm đường nhựa, năm vừa rồi mới làm được khoảng 1 km rồi. Những năm sau làm đường xong, còn vốn thì tổ chức cho thanh niên vay vốn phát triển sản xuất”- anh Thưi-Bí thư chi đoàn làng Groi 1 cho biết.

Nguồn quỹ dồi dào, thanh niên trong xã còn có điều kiện để tổ chức nhiều hoạt động bổ ích như giao lưu bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ... Từ đó tạo không khí vui vẻ, đoàn kết.

Phong trào thanh niên phát triển mạnh mẽ cũng là động lực lớn để thanh niên các làng thi đua làm ăn, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu. Thi đua từ Bí thư Đoàn xã, Bí thư chi đoàn cho đến các đoàn viên, thanh niên. Người biết nhiều chỉ người biết ít, người có kinh tế khá giúp đỡ những người có kinh tế kém hơn để cùng nhau tiến bộ. “Phong trào Đoàn trong xã ngày càng phát triển. Một số chi đoàn có nguồn quỹ lớn thì đã bắt đầu cho thanh niên vay vốn phát triển sản xuất. Từ đó giúp được thanh niên, tập hợp được thanh niên, thanh niên ai cũng muốn vào tổ chức, cũng muốn đi làm. Có những buổi huy động được đến 60 thanh niên đi làm để gây quỹ. Tính đoàn kết của thanh niên ngày càng mạnh hơn”- anh Yưm- Bí thư Đoàn xã Glar cho biết.

Đoàn Thanh niên xã Glar, huyện Đak Đoa đang là một điểm sáng trong phong trào Đoàn vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Các bạn đã chứng minh được rằng, một vùng nông thôn nghèo không có nghĩa là hoạt động Đoàn ở đó sẽ yếu kém. Điều cơ bản là phải biết cách tổ chức, duy trì các hoạt động đó sao cho thiết thực với cộng đồng, với từng thanh niên. Qua đó, sẽ thu hút đông đảo thanh niên tham gia, góp phần tạo nên một chi đoàn, một cơ sở Đoàn vững mạnh.

Công Bắc
 

Có thể bạn quan tâm