Kinh tế

Điểm sáng về xây dựng giao thông nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nằm trên quốc lộ 19- trục huyết mạch giao thông quan trọng của tỉnh, xã Đak Pơ, huyện Đak Pơ (Gia Lai) có nhiều thuận lợi trong hoạt động giao thương kinh tế- xã hội, phát triển nền sản xuất nông nghiệp địa phương. Đặc thù là xã thuần nông với các loại cây trồng chủ lực như: Lúa, mía, bắp lai, mì, rau đậu các loại... nên trong những năm qua, Đak Pơ đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại, phục vụ vận chuyển nông sản thuận tiện cho nhân dân các thôn, làng.
Ảnh: Sơn Ca
Theo số liệu thống kê của địa phương, hiện nay toàn xã đã xây dựng 7,5 km đường bê tông nông thôn, với tổng kinh phí 4,125 tỷ đồng (trong đó, ngân sách Nhà nước là 3,150 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 975 triệu đồng và 1.750 ngày công lao động) và 2 km đường cấp phối, vốn đầu tư 143 triệu đồng. Nhìn chung, hầu hết hệ thống đường giao thông nông thôn tại xã đã hoàn thành, kết nối từ trung tâm đến các cụm dân cư chính tại 8 thôn- làng, xóa được nỗi lo giao thông cắt trở mỗi khi mùa mưa đến đồng thời tạo điều kiện thông thương thuận lợi khi đến mùa thu hoạch nông sản của bà con. Tại làng đồng bào dân tộc thiểu số hệ thống đường chính dẫn vào làng đã được bê tông hóa.
Trên cơ sở thống nhất chủ trương của Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, xã Đak Pơ đã phát triển đường giao thông nông thôn với phương châm làm theo cụm- ưu tiên theo giai đoạn. Vì là công trình phục vụ dân sinh toàn xã nên trong quá trình triển khai, địa phương đã công khai dự toán từng công trình: Phần Nhà nước hỗ trợ, phần đóng góp chính của nhân dân khu vực làm đường và cả phần đóng góp thêm của các thôn còn lại. Bên cạnh đó, xã cho thành lập các ban, tổ quản lý xây dựng ngay tại thôn, làng để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao trách nhiệm trong công tác giám sát thi công.
Trên thực tế triển khai làm đường giao thông nông thôn, khâu khó nhất vẫn là vận động sức dân. Về vấn đề này, ông Trần Xuân Tỉnh- Chủ tịch UBND xã Đak Pơ cho rằng: Trong khi đời sống kinh tế người dân vẫn còn khó khăn thì mình phải đặt vấn đề đúng với nhu cầu, nguyện vọng của dân, là cái mà dân cần thì công tác huy động mới đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, một nguyên tắc cơ bản khi làm đường giao thông nông thôn là phải công khai, minh bạch tài chính trước dân. Khi người dân được giám sát, quản lý chặt chẽ từng bao xi măng, từng khối vật liệu xây dựng thì tất nhiên họ  tin tưởng sự đóng góp của nhân dân đã được sử dụng đúng mục đích.

Có thể bạn quan tâm