Phóng sự - Ký sự

Điểm tựa cho những con tàu bám biển khơi xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, nhiều năm rồi bà con   phát huy tinh thần đoàn kết. Đó chính là điểm tựa để ngư dân vươn ra khơi xa bám biển, đánh bắt hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc Việt Nam…
Chúng tôi ra đảo Lý Sơn- quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa sắp vào mùa mưa bão. Ngắm nhìn hàng trăm con tàu công suất lớn sau những chuyến ra khơi trở về neo đậu kín vũng neo đậu tàu thuyền nhiều người cho rằng đó không chỉ là mồ hôi công sức của những chuyến bám biển xa khơi mà còn là kết quả của tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư biển đảo vốn khá bền chặt…
Đoàn kết vượt qua tai họa biển khơi
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lý Sơn Dương Thức, nói: "Bao đời nay, dân Lý Sơn xem quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là máu thịt, là ngư trường truyền thống. Thời triều Nguyễn, người dân đất đảo Lý Sơn đã sung đội hùng binh ra quần đảo Hoàng Sa để đo đạc thủy trình, cắm mốc, dựng bia chủ quyền của Tổ quốc. Họ xuất bến bằng ghe bầu gặp sóng to gió lớn nên nhiều người đã một đi không trở lại. Ngày nay, ngư dân Lý Sơn đã đóng những con tàu công suất lớn, trang bị những thiết bị hiện đại nên đã hạn chế phần nào tai họa do thiên tai. Nhưng, bây giờ "nhân tai" lại  rình rập những con tàu…".
Tàu thuyền Lý Sơn đoàn kết ra khơi, đoàn kết trở về sau mùa biển. Ảnh: Trường An
Cuộc sống người dân Lý Sơn khá dần lên đã góp phần xây dựng nhiều khu dân cư khởi sắc. (Trong ảnh: Người dân Lý Sơn đã xây dựng nhà tầng theo cách hiện đại). Ảnh: Trường An
Đã có nhiều ngư dân đất đảo Lý Sơn ra khơi bị nước ngoài bắt tịch thu tàu, ngư lưới cụ nhiều lần. Cứ mỗi lần như thế, ngư dân trắng tay, thậm chí có người đành thế chấp nhà cửa để trả nợ. Hiểu rõ sự khốn khó của họ nên chính quyền địa phương và những người làm công tác mặt trận ở các khu dân cư đã động viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết để ngư dân vượt qua khó khăn sớm trở lại biển khơi đánh bắt hải sản.
Ngư dân Lê Vinh (53 tuổi) khu dân cư số 9 xã An Vĩnh đang ngồi  bên mép biển vá lưới. Ông kể: "Tàu của tui đã bốn lần đánh bắt ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa bị nước ngoài bắt. Cứ mỗi lần như thế lại bị tịch thu ngư lưới cụ, rồi tịch thu tàu và bản thân tui cũng bị đánh đập vì không đáp ứng yêu cầu nộp "phạt" của chúng. Nếu không có sự động viên giúp đỡ của chính quyền, của cán bộ mặt trận và bà con chòm xóm chắc mình không trở lại biển khơi".
Nhờ sự giúp đỡ của địa phương và bà con cho vay mượn, ông Vinh đã đóng lại con tàu trở lại vùng biển Hoàng Sa để hành nghề lặn biển. Còn ngư dân Lê Văn Cương ở khu dân cư số 10 thôn Tây xã An Vĩnh cách đây khoảng 6 năm, tàu anh bị bão nhấn chìm ở đảo Đá Lồi. 9 thuyền viên trên tàu đành nằm lại với biển khơi. Chỉ còn anh và một bạn chài may mắn được tàu đánh cá trong tỉnh cứu vớt. Trở về, anh đối diện với cảnh trắng tay. May nhờ chính quyền và mặt trận thôn vận động bà con mỗi người cho anh mượn một vài chỉ vàng, gom lại đủ  6,5 cây vàng để mua con tàu công suất 33 CV. Anh kể: "Ngày hạ thủy con tàu nhờ vay mượn mà có được mình chẳng cầm được nước mắt. Bởi tình cảm của bà con dành cho mình quá lớn. Không có bà con giúp sức thì mình chẳng thể nào có được con tàu mà trở lại biển khơi".
Đâu chỉ cho mượn vốn để đóng tàu, ở huyện đảo Lý Sơn có nhiều ngư dân sau khi bị nạn, nhờ sự vận động của chính quyền, mặt trận, nhiều ngư dân  bị nạn đã cùng nhau góp tiền để đóng tàu trở lại biển. Ông Lê Biển ở khu dân cư số 8 xã An Vĩnh đưa tay chỉ đôi tàu công suất 250 CV/chiếc, đang neo đậu bên mé biển, nói: "15 cổ phần trong đôi tàu trị giá 3 tỷ đồng đó. Đời đi biển, gặp nạn thì cùng nhau hùn hạp vốn mới đóng được tàu, chứ một mình khó gượng dậy lắm".
Sau lần tai nạn do bão tố, ngư dân Lê Văn Cương đã vay mượn bà con sắm lại đôi tàu ra khơi thuận lợi. Ảnh: Trường An
Sau lần tai nạn do bão tố, ngư dân Lê Văn Cương đã vay mượn bà con sắm lại đôi tàu ra khơi thuận lợi. Ảnh: Trường An
Không chỉ cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn trước bão biển hoặc nước ngoài thu giữ tàu thuyền, ở huyện đảo Lý Sơn, nhiều ngư dân còn mở lòng với những bạn chài cuộc sống khốn khó. Ngư dân Võ Văn Chí ở cùng khu dân cư số 8 với ông Lê Biển, chỉ một mình "đi bạn" nuôi gia đình và cha mẹ già nên quanh năm túng thiếu. Ông Biển hiểu rõ điều này nên đã san sẻ bằng cách trích 20% cổ phần của mình cho anh Chí để anh có cổ phần trong con tàu mà cùng nhau xuống tàu ra khơi.    
Theo thống kê ở huyện Lý Sơn trong vòng 5 năm trở lại đây đã có 42 tàu, với 503 lao động đã bị nước ngoài bắt, tịch thu tài sản, phạt tiền. Tất cả đã được cộng đồng dân cư giúp đỡ kịp thời. Cũng từ đó, cái nghĩa, cái tình của người dân đất đảo thêm bền chặt, cùng nhau vượt qua hoạn nạn để đưa tàu ra khơi. Cũng chính sự đoàn kết trong việc ra khơi nên ở Lý Sơn hiệu quả của việc đánh bắt hải sản ngày càng cao. Trong 8 tháng đầu năm 2011, giá trị sản xuất ngành thủy sản ở huyện đảo Lý Sơn ước đạt hơn 162,7 tỷ đồng.
Khởi sắc ở các khu dân cư
Người Lý Sơn luôn hướng về phía biển. Toàn huyện có khoảng 410 con tàu, với tổng công suất hơn 36.000CV, trong đó có khoảng 300 tàu chủ yếu hành nghề vây, nghề lặn cá và hải sâm ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa... Họ đã đoàn kết vượt qua bão giông và "nhân tai" để bám biển.  Nguồn lợi hải sản đã giúp ngư dân có điều kiện xây dựng nhà, tham gia góp tiền của xây dựng công trình phúc lợi ở khu dân cư.
Bây giờ, đi dọc  các con đường bê tông, đường nhựa quanh đất đảo đã có những ngôi nhà xây dựng nhiều tầng khang trang hiện đại. Đường làng cổng ngõ đều sạch đẹp, thoáng đãng. Lý Sơn đêm về thật bình yên...
Cuộc sống người dân Lý Sơn khá dần lên đã góp phần xây dựng nhiều khu dân cư khởi sắc. (Trong ảnh: Người dân Lý Sơn đã xây dựng nhà tầng theo cách hiện đại).
Ảnh: Trường An
Ông Nguyễn Tám- Trưởng thôn Tây xã An Vĩnh Lý Sơn, cho biết: Cuộc sống người dân khá giả hơn nên những năm trước Lý Sơn lại nảy sinh ra những tệ nạn xã hội. Một số học sinh cấp THPT bỏ học, rồi rượu chè gây mất trật tự ở các khu dân cư. Thông qua "Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", các thành viên làm công tác mặt trận cùng với đại diện chính quyền xã và các hội đoàn thể đã đến các khu dân cư tìm gặp cha mẹ và bản thân các em để động viên. Như mưa dầm thấm lâu rồi các em cũng nhận ra sự sai quấy. Một số em đã hiểu ra muốn đánh cá giỏi cũng phải học tập tốt, trước mắt là hoàn thành chương trình PTTH.
Riêng bản thân ông Tám sau khi làm việc đồng áng trở về nhà, ông thường đến nhà bà con, lúc thì tuyên truyền về một chủ trương của Đảng vừa mới ban hành, lúc thì hòa giải những xích mích trong chòm xóm. Nghe có cháu nào gia đình gặp khó khăn bỏ học, cán bộ chính quyền bận việc thì một mình ông đến động viên gia đình cố gắng cho con đến trường, rồi đi vận động bà con của ít lòng nhiều đóng góp giúp đỡ. Mỗi khi nghe nhà ai có người thân bị nước ngoài bắt, bị tịch thu tài sản hoặc bị tàu lạ đâm chìm là ông có mặt kịp thời để động viên. Trong mùa biển động khi ngoài khơi có bão biển là ông thường trực ở đài I-com cộng đồng để cùng liên lạc ngoài khơi xa.
Ông kể: "Có lúc mong chờ đến nghẹt thở. Nhưng rồi vui nhất là khi từ bộ đàm bên kia có tiếng trả lời". Những nỗ lực của ông đã góp phần không nhỏ để khu dân cư số 1, 2, 4 thôn An Vĩnh được cấp trên công nhận là khu dân cư tiên tiến nhiều năm liền. Riêng khu dân cư số 8, 9, 10 vốn là điểm nóng về tệ nạn xã hội cũng đã trở thành khu dân cư tiên tiến trong 3 năm liền.
Chủ tịch Mặt trận xã An Hải Nguyễn Ba, bày tỏ niềm vui: Khi Ủy ban MTTQ Việt Nam phát động “Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" trong quá trình triển khai anh em cũng lo lắm. Nhưng rồi cuộc vận động phù hợp với tâm tư nguyện vọng của người dân nên lâu dần tình đoàn kết càng bền chặt. Trước đây, mỗi khi ngư dân gặp nạn bà con cũng đến giúp đỡ chia sẽ nhưng chưa là phong trào. Còn bây giờ, nghe tin nhà ai có người thân bị bão tố, bị tàu lạ đâm chìm hay bị nước ngoài bắt là cả làng đến thăm hỏi động viên và giúp đỡ tức thì.  
Ông Trần Ngọc Nguyên- Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: Từ khi Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN  phát động cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" tinh thần đoàn kết lan ra cộng đồng nên đánh bắt hải sản đạt hiệu quả hơn. Để phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau và đấu tranh cho quyền lợi của lao động biển nên ngày 15.9 vừa qua, huyện Lý Sơn đã phối hợp với Liên đoàn lao động huyện thành lập nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn- nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trong cả nước.
Ông Dương Thức- Phó Chủ tịch UBMTTQVN Lý Sơn, cho biết: Nhờ nỗ lực triển khai cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nên các khu dân cư trên đảo người dân sống chan hòa hơn và trở thành điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt hải sản. Qua tổng kết 15 năm "Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" toàn huyện có 23 khu dân cư thì đã có 18 khu dân cư đạt danh hiệu tiên tiến. Đặc biệt là khu dân cư số 2 và số 4 xã An Hải, số 1, 2, 4 xã An Vĩnh tiên tiến 5-8 năm liền. Riêng khu dân cư số 2 xã An Vĩnh đã được Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào khuyến học, giữ gìn trật tự bình yên, kinh tế phát triển nhất đất đảo. Toàn huyện có 4.500 hộ gia đình, thì hiện đã có 3.900 gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa.
Cuộc sống của người dân đi lên, các khu dân cư khởi sắc cũng nhờ sự đoàn kết của bà con làm điểm tựa để những con tàu ra khơi bám biển phát triển kinh tế. Nguồn lợi từ biển đã được những con tàu mang về bồi đắp xây dựng quê hương.
Trường An

Có thể bạn quan tâm