Kinh tế

Diễn đàn Kết nối Tây Nguyên: Nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác được ký kết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 21-5, tại TP. Pleiku, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên” với nội dung “Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên”.
Dự và chỉ đạo chương trình có các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phùng Đức Tiến-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cùng dự còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan ngoại giao, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Lãnh đạo tỉnh dự hội nghị Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên”. Ảnh: Đức Thụy
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Đức Thụy
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Tây Nguyên được xác định là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, chính trị, quân sự của cả nước, với diện tích 54.474 km2 (chiếm 16,46 % cả nước), dân số hơn 5,9 triệu người và có 47 dân tộc anh em sinh sống. Thời gian qua, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội Tây Nguyên, nhờ vậy, nông nghiệp Tây Nguyên liên tục phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05% năm, năm 2021 tăng 5,8% so với ngành nông nghiệp cả nước.
Cụ thể, toàn vùng có 651,8 ngàn ha cà phê, sản lượng 1,7 triệu tấn (chiếm 91% diện tích và 94,8% sản lượng cả nước), xuất khẩu khoảng 1,52 triệu tấn với kim ngạch đạt khoảng 3 tỷ USD; 82,8 ngàn ha hồ tiêu, sản lượng 192,2 ngàn tấn (64,6% diện tích và 68,6% sản lượng cả nước) và góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới; 89,9 ngàn ha điều, sản lượng 83,7 ngàn tấn (28,6% diện tích và 21,8% sản lượng cả nước); 233,6 ngàn ha cao su, sản lượng 278,9 ngàn tấn (chiếm 24,9% diện tích và 22,1% sản lượng cả nước) và Việt Nam là nước xuất khẩu cao su thứ 3 thế giới về giá trị, kim ngạch đạt 3,31 tỷ USD; 117,1 ngàn ha cây ăn quả (tăng hơn 2,9 lần so năm 2016). Trên lĩnh vực chăn nuôi, có hơn 900 ngàn con bò; khoảng 88,4 ngàn con trâu; gần 2,2 triệu con heo; 28 triệu con gia cầm. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 36,6 ngàn ha (chiếm gần 2,7% so với cả nước). Tổng diện tích rừng là hơn 2,56 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước; tỷ lệ che phủ rừng đạt 45,94%.
Bên cạnh đó, Tây Nguyên hiện có 87 cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn (chiếm 36,4% cả nước); 10 doanh nghiệp chế biến cao su, công suất trên 70 ngàn tấn sản phẩm/năm; 40 nhà máy chế biến chè, công suất 200 ngàn tấn/năm, chiếm trên 20% sản lượng chè cả nước; 8 nhà máy chế biến hạt điều, chiếm 20% sản lượng cả nước; trên 20 nhà máy chế biến rau quả, với công suất trên 300 ngàn tấn sản phẩm/năm; 4 nhà máy chế biến đường, công suất trên 2 triệu tấn mía/năm; có 334 cơ sở trồng trọt/32.282 ha được chứng nhận VietGAP; 797 trang trại và cơ sở được chứng nhận VietGAP với sản lượng 27.702 tấn thịt, 16 cơ sở nuôi thủy sản/19,3 ha được chứng nhận VietGAP; 241 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm với nhiều sản phẩm đặc trưng như: cà phê, chè, rau quả, sâm, mắc ca, mật ong, heo, gà, bò, trùn quế…
Ngoài ra, vùng Tây Nguyên có 1.321 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, 12 liên hiệp HTX nông nghiệp (tăng 926 HTX và 9 liên hiệp HTX so với năm 2016), với 34.500 thành viên; 2.221 công trình thủy lợi và 7.225 km kênh mương, với tổng diện tích tưới thiết kế 291.231 ha, thực tế tưới được 236.748 ha, đạt gần 81% công suất thiết kế. Đến tháng 3-2022, vùng Tây Nguyên có 58% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), tăng 36,4% so với năm 2016, bình quân đạt 16,3 tiêu chí/xã, tăng 4,5 tiêu chí so với năm 2016; có 6 đơn vị cấp huyện, tăng 5 đơn vị cấp huyện so với năm 2016 được công nhận đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 583 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, nông nghiệp Tây Nguyên đã hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để kết nối chuỗi giá trị sản xuất. Ảnh: Đức Thụy
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, có thể khẳng định rằng, nông nghiệp Tây Nguyên đã hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để kết nối chuỗi giá trị sản xuất của vùng với nhu cầu tiêu thụ của các tỉnh, thành phố, vùng, miền trên cả nước, cũng như xuất khẩu. Thời gian tới, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 và các quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên và các tỉnh trong vùng, nông nghiệp Tây Nguyên được tổ chức lại sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh chế biến, nhất là chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp số, thông minh, hữu cơ. Phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, cao su, chè; hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất hoa, rau, cây ăn quả an toàn dịch bệnh, theo chuỗi giá trị khép kín; đẩy mạnh chăn nuôi hữu cơ. Bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, duy trì đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, phòng-chống thiên tai. Phát triển nuôi thủy sản trên các hồ chứa, lưu vực sông, suối với đối tượng nuôi truyền thống và cá nước lạnh giá trị kinh tế cao.
“Diễn đàn sẽ tạo động lực mới, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp trên địa bản theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh đã đề ra. Trong đó, tôi yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận việc đẩy mạnh kết nối cả ở trong và ngoài nước mở rộng không gian tiêu thụ nông sản và nâng cao giá trị hàng nông sản Tây Nguyên khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới mô hình phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, có giá trị gia tăng cao và bền vững; khai thác tài nguyễn đi đôi với bảo vệ, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp và văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên. Tích hợp đa ngành đa giá trị gắn kết chặt chẽ giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các vùng kinh tế khác theo chuỗi giá trị. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn liên vùng, liên tỉnh”-Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên phát biểu tại Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên”. Ảnh: Đức Thụy
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND Gia Lai Kpă Thuyên cho rằng: Diễn đàn Kết nối Tây Nguyên với nội dung: Kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản vùng Tây Nguyên tại Gia Lai là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để các tỉnh, thành phố ký kết, hợp tác, xúc tiến tiêu thụ nông sản, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đồng thời, mong muốn và tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của Nhân dân, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, sự đồng hành, hợp tác của tỉnh, các doanh nghiệp, ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung sẽ có những bước chuyển biến mạnh mẽ, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, phát triển nhanh và bền vững.
Quang cảnh Diễn đàn “Kết nối Tây Nguyên”. Ảnh: Đức Thụy
Tại Diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết, ghi nhớ giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT, 5 tỉnh Tây Nguyên với một số hiệp hội ngành hàng chủ lực (cà phê và ca cao; hồ tiêu; rau quả; nông nghiệp số; gỗ và lâm sản; nông nghiệp hữu cơ); ký kết biên bản hợp tác giữa 5 tỉnh Tây Nguyên với một số chuỗi phân phối nông sản; ký kết giữa Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Gia Lai với Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Hồ Chí Minh, Ban An toàn Vệ sinh thực phẩm-UBND TP. Đà Nẵng; ký kết giữa Trung tâm Khuyến nông quốc gia với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm