Kinh tế

Điều chỉnh giá xăng cũng là chung tay chống lạm phát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của người tiêu dùng, liên Bộ Tài chính- Công thương đã quyết định chưa điều chỉnh giá bán lẻ xăng, dầu trong nước tại thời điểm này.

Theo các chuyên gia kinh tế, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, việc điều hành quản lý giá cần phải linh hoạt, như vậy sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh kiềm chế lạm phát như hiện nay.

Theo liên Bộ Tài chính- Công thương, lý do chưa thể giảm giá xăng dầu hiện nay là: Mặc dù giá dầu thô trên thế giới đã giảm so với trước nhưng giá cơ sở đang cao hơn giá bán hiện hành khoảng 342 - 530 đồng/lít,kg. Bên cạnh đó, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu hiện đang áp ở mức thấp (từ 0-5%).

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải mua xăng với giá 21.300đ/lít từ tháng 3-2011, trong khi giá xăng dầu thế giới đã giảm đáng kể.
Còn theo lý giải của doanh nghiệp đầu mối xăng dầu thì giá trung bình của xăng A92 từ ngày 1 đến 4- 8 vẫn ở mức 122,36 USD/thùng; cộng thêm tất cả khoản thuế và phí theo quy định, giá xăng A92 phải ở mức gần 22.000 đồng/lít.

Với giá bán như hiện nay, doanh nghiệp cho rằng đang lỗ 659 đồng/lít.

Tuy nhiên, theo ông Ngô Trí Long- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Giá cả, Bộ Tài chính, cách tính giá cơ sở, cũng như việc kêu lỗ của doanh nghiệp đầu mối cần phải được kiểm chứng.

“Cơ quan quản lý chức năng có đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp đưa ra tính giá cơ sở. Thứ nhất, tôi nghĩ số liệu đó đã đúng chưa? Thứ 2 là số liệu đưa ra như vậy đã hợp lý chưa? Doanh nghiệp kinh doanh là vì lợi nhuận, họ sẵn sàng đưa ra những thông tin có lợi cho họ, để có thể đảm bảo lợi nhuận tối đa của họ.”- ông Long nêu ý kiến.

Cũng cùng quan điểm phải minh bạch, công khai thông tin hơn nữa về giá xăng dầu, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Nên sớm tổ chức kiểm toán xăng dầu, qua đó sẽ hiểu rõ hơn về lỗ, lãi của doanh nghiệp cũng như hoạt động điều hành các cơ quan nhà nước...

“Tôi cho rằng nên công bố giá cơ sở và nên mời các chuyên gia độc lập phản biện, bởi vì các thông số đó trên thế giới đều công bố rõ ràng”- ông Doanh nói.

Đồng thời, Tiến Sỹ Lê Đăng Doanh cũng đề nghị nên sớm có quyết định kiểm toán  giá xăng dầu cũng như hoạt động về kinh doanh xăng dầu để trên cơ sở đó có thể chỉ rõ lý do tăng, giảm giá, đóng góp vào kiềm chế lạm phát và giảm bớt khó khăn trong đời sống của người dân.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế, đã có cơ hội giảm giá xăng dầu nếu chính sách điều hành linh hoạt hơn.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong- Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, với các khoản thuế, phí hiện nay, nếu giảm 100 đồng/lít xăng khi thu thuế, phí và doanh nghiệp chia sẻ 100 đồng lợi nhuận trên mỗi lít xăng với người tiêu dùng thì đã có được 200 đồng/lít để góp vào yếu tố giảm giá bán.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đầu mối có thể xem xét giảm bớt khoản chiết khấu cho đại lý từ 700-800 đồng/lít xăng để chia sẻ với người tiêu dùng.

Theo ông Phong, điều hành giá xăng dầu cần đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, quan trọng là góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát./.

Ông Phong nêu ý kiến cho rằng, hiện nay trong giá bán xăng dầu, lãi của doanh nghiệp khá nhiều, phần trích một phần ngân sách cũng rất lớn. Mặc dù ngân sách đang cần tăng thu để giảm thiếu hụt ngân sách, tuy nhiên trong yêu cầu về đảm bảo nguyên tắc thị trường của giá xăng dầu cũng như hài hòa lợi ích, nên xem xét, điều chỉnh để giảm giá để tạo động thái tích cực cho việc giảm giá các mặt hàng khác trong bối cảnh tất cả cùng chung tay chống lạm phát hiện nay.
Theo VOV

Có thể bạn quan tâm