Kinh tế

Tài chính

Điều hành chính sách tiền tệ cần linh hoạt theo tín hiệu thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

9 tháng qua, việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đi đúng hướng. Những tháng còn lại cần tiếp tục linh hoạt để ổn định thị trường tiền tệ.

Điều hành đúng hướng

9 tháng năm 2018 đã qua đi, hoạt động của ngành ngân hàng đã đạt được những kết quả khá tích cực. Trong đó, quan trọng nhất là diễn biến lạm phát cơ bản được duy trì trong biên độ từ 1,3%-1,5%, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.

Theo đánh giá của chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Thị Mùi, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ rất linh hoạt và phù hợp với diễn biến của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Kết quả của việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ đã hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế ở mức xấp xỉ 7%.

 

Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đang đi đúng hướng. (Ảnh: KT)



Cũng theo bà Mùi, trong 9 tháng qua, hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng về cơ bản đảm bảo thanh khoản, thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối cũng ổn định và có sự liên thông với nhau, tạo điều kiện không tác động nhiều đến vấn đề lãi suất và cũng hỗ trợ cho lãi suất ổn định; Dòng vốn tín dụng đã tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và kiểm soát chặt chẽ những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như: chứng khoán, bất động sản; Tăng trưởng của các tổ chức tín dụng cũng gắn với việc nâng cao chất lượng tín dụng.

TS. Trần Du Lịch đánh giá, 9 tháng qua, trong bối cảnh biến động của thị trường tài chính thế giới, Ngân hàng Trung ương Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều lần tăng lãi suất, đồng USD lên giá rồi đồng tiền một số quốc gia phá giá; dự trữ ngoại hối của Việt Nam vẫn ở mức cao và tiếp tục có xu hướng tăng lên, NHNN đã có động thái can thiệp tích cực vào thị trường ngoại hối và đã thành công trong việc ổn định thị trường này.

Bên cạnh đó, việc tái cấu trúc ngân hàng, hướng tới mục tiêu đưa NHTM lên tiêu chuẩn Basel 2 cũng đã được triển khai và thực hiện thành công.

Tại phiên họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia Quý III/2018 vào chiều 28/9/2018, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao điều hành của NHNN thời gian qua đã rất chủ động, linh hoạt, nhất là về ổn định tỉ giá, lãi suất, tín dụng xuất khẩu. Trong bối cảnh xung đột thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang, nhiều quốc gia có xu hướng tăng lãi suất thì lãi suất ở trong nước vẫn tiếp tục được điều hành ổn định. Tình hình tỷ giá cũng có áp lực nhất định nhưng NHNN đã kịp thời điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nên thanh khoản thị trường vẫn bảo đảm, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt.

Vẫn đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn

Bên cạnh những thuận lợi, các ý kiến cũng cho rằng, công tác điều hành chính sách tiền tệ, tài chính quốc gia sẽ còn gặp nhiều thách thức do độ mở của nền kinh tế rất lớn, chịu ảnh hưởng bởi các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới. Việc điều hành tỷ giá, lãi suất có nhiều yếu tố khó lường khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc leo thang; tình hình hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân còn nhiều khó khăn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi dự báo, 3 tháng còn lại của năm 2018, thị trường tiền tệ sẽ có những diễn biến khó lường, cụ thể, mới đây Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã điều chỉnh nâng lãi suất lên 0,25 điểm % và đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm có thể sẽ điều chỉnh lãi suất thêm một lần nữa. Một khi lãi suất USD ở Mỹ cũng như trên thị trường thế giới biến động thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối của một số quốc gia, đặc biệt là những quốc gia mà Việt Nam có quan hệ xuất nhập khẩu, quan hệ thương mại lớn như Trung Quốc…

Hơn nữa, đến năm 2019, các ngân hàng phải đưa tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn xuống 40%, sẽ gây áp lực lên tỷ giá, lãi suất, lạm phát.

Ở một khía cạnh khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới sẽ tiếp tục có tác động đến tỷ giá hối đoái, điều này khó có thể định lượng một cách chính xác. Trong đó, cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.

Điều đáng nói, hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc có thể sẽ xuất khẩu vào Việt Nam nhiều hơn, từ đó làm tăng nhập siêu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều này có thể tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp Việt Nam vì hàng hóa của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá cả với hàng hóa của Trung Quốc.

Cần tiếp tục chính sách điều hành linh hoạt

Trước một số khó khăn thách thức đang đặt ra trong việc điều hành chính sách tiền tệ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Mùi cho rằng, thời điểm 3 tháng cuối năm và đầu năm 2019, NHNN cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến trên thị trường tài chính mà cụ thể là thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ.

Bên cạnh đó, tỷ giá hối đoái có những áp lực rất lớn, áp lực từ trong nước, áp lực từ ngoài nước, áp lực từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc tác động nhiều chiều đến các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Do vậy, cần tiếp tục thực hiện chính sách điều hành cho phù hợp với các mục tiêu đặt ra ban đầu, chú trọng đến việc điều hành lãi suất cho phù hợp, nếu không giảm được thì phải giữ ở mức ổn định, bởi nếu tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp.

“Quá trình điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng còn lại của năm 2018 và đầu năm 2019 cần chú trọng một điều, đó là tỷ giá vẫn phải điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường để hạn chế những bất lợi của các yếu tố từ bên ngoài tác động đến các yếu tố bên trong, gây ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái nhằm tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, cũng như hoạt động xuất nhập khẩu của nền kinh tế đất nước”, bà Nguyễn Thị Mùi cho hay.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, việc điều hành chỉ số giá các tháng còn lại của năm có yếu tố thuận lợi là đi đúng hướng kịch bản đã xây dựng. Tuy nhiên, cũng có những nhân tố tiếp tục phải theo dõi, cập nhật, nhất là giá cả thế giới, đặc biệt giá dầu “đứng” ở mức cao, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng. Mục tiêu giữ lạm phát của năm 2018 ở khoảng 3,7% – 3,95%.

Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 1,5-1,6%.

Đồng thời, yêu cầu Bộ Tài chính, NHNN phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục điều hòa tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, làm cho lượng tiền được lưu thông, giảm áp lực lạm phát.

Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước và hệ thống tài chính địa phương tăng cường hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành, không để dồn vào cuối năm.

Chung Thủy/VOV.VN

Có thể bạn quan tâm