(GLO)- Hiện nay trẻ em dậy thì sớm hơn nhiều so với trước kia, nữ từ 8 tuổi, còn nam là 9 tuổi và gặp khá nhiều ở các gia đình từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến vùng biển.
Cách đây 2-3 năm, chỉ có gần 200 cháu được theo dõi dậy thì sớm ở Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. Hồ Chí Minh. Đến nay, số bệnh nhân khám và theo dõi dậy thì sớm tại bệnh viện là 1.000 ca, đặc biệt có ca chỉ mới 2-3 tuổi và chủ yếu là bé gái, trong đó 500 cháu đang tiêm hormone hàng tháng để “đình chỉ” dậy thì sớm.
Ảnh minh họa |
Ngoài những căn nguyên được xác định như bệnh lý tuyến thượng thận bẩm sinh, u buồng trứng, u não, bệnh lý di truyền đặc biệt…, phần nhiều các bé được chẩn đoán không rõ nguyên nhân. Các yếu tố khác như môi trường, dinh dưỡng thừa chất đạm và chất béo, dư cân, béo phì, lối sống… cũng góp phần tác động đến dậy thì sớm hơn ở trẻ.
Với những trẻ gái dậy thì trước 6 tuổi, khi tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm sẽ có hai cái lợi: trước mắt sẽ giúp ức chế phát triển các đặc tính sinh dục phụ (phát triển của tuyến vú, lông mu, khả năng có kinh nguyệt…), trẻ đỡ tò mò về cơ thể của mình, tránh bị bạn bè trêu chọc hoặc bị kẻ xấu xâm hại tình dục, giúp trẻ tập trung vào việc học, hòa đồng với bạn bè cùng trang lứa. Về lâu dài, tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm sẽ giúp trẻ phát triển chiều cao sau này. Thuốc không ảnh hưởng tới buồng trứng hoặc gây vô sinh khi bé gái trưởng thành. Nếu điều trị bằng cách này, trẻ cần thực hiện đều đặn đến năm 10 tuổi rưỡi. Bé có thể gặp phải những tác dụng phụ: nhức đầu, bốc hỏa, sưng đau hoặc viêm nhiễm chỗ tiêm…
Tuy nhiên, với những bé gái dậy thì quãng 6-8 tuổi hoặc trên 8 tuổi, việc điều trị ức chế dậy thì cần cân nhắc vì ở tuổi này tiêm hormone cũng không cải thiện được chiều cao cho trẻ mà chỉ làm sự “trổ mã” của bé chậm lại mà thôi, thậm chí có nguy cơ làm tử cung nhỏ lại.
Hiện nay, trên thế giới, phương pháp điều trị tiêu chuẩn là sử dụng các loại thuốc GnRH analog, có tác dụng ngăn chặn các hormone kích thích dậy thì do tuyến yên tiết ra, dùng dưới dạng tiêm hoặc cấy ghép. Một phương pháp điều trị dậy thì sớm khác là tiêm progestin nhưng chúng ít hiệu quả hơn các thuốc tương tự GnRH.
Việc dùng hormone ức chế dậy thì không đúng chỉ định sẽ khiến trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Thêm vào đó, gia đình sẽ mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc lo cho con một cách không cần thiết.
Th.S-BS Nguyễn Lan Hải