Đình chỉ hàng trăm cơ sở chế biến gỗ lậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Toàn vùng Tây Nguyên hiện có hơn 1.500 cơ sở chế biến gỗ, nhiều nhất là ở các tỉnh Gia Lai có 480 cơ sở, Lâm Đồng 420 và Đak Lak hơn 500 cơ sở.
 
Do các địa phương phát triển các cơ sở chế biến gỗ thiếu quy hoạch và thiếu sự kiểm tra, quản lý chặt chẽ của các đơn vị chức năng nên dẫn đến hoạt động không hợp pháp, góp phần làm gia tăng tình trạng phá rừng tại Tây Nguyên từ nhiều năm nay.
Đặc biệt là những xưởng chế biến gỗ được phép đặt gần rừng, không gắn liền với vùng nguyên liệu, khối lượng gỗ để sản xuất ra các loại sản phẩm tiêu dùng nội địa chủ yếu là gỗ không có nguồn gốc, trôi nổi.
Trước thực tế trên, các địa phương trong vùng Tây Nguyên đã tiến hành rà soát lại các cơ sở chế biến gỗ hiện có trên địa bàn và có giải pháp lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực này. Hàng trăm cơ sở chế biến gỗ hoạt động kém hiệu quả, sử dụng nguồn nguyên liệu bất hợp pháp đã bị thu hồi giấy phép, đình chỉ các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Gia Lai là tỉnh làm "mạnh tay" trong công tác kiểm tra, kiểm soát và đã xử lý nghiêm đối với những đơn vị vi phạm các quy định của Nhà nước trên lĩnh vực hoạt động chế biến gỗ, đã kiên quyết thu hồi giấy phép và đình chỉ hoạt động 139 cơ sở chế biến gỗ có vi phạm. Tiếp đến là tỉnh Đak Lak có 44 cơ sở bị đình chỉ hoạt động do sử dụng nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc.
Việc lập lại trật tự, kỷ cương trên lĩnh vực chế biến gỗ là một trong 5 giải pháp quan trọng nhằm làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững ở khu vực Tây Nguyên, góp phần ngăn chặn và làm giảm tình trạng phá rừng ở một số địa phương.
Trong thời gian tới, các tỉnh trong khu vực cũng đã đề xuất xây dựng chính sách quy định ngành nghề chế biến gỗ là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đồng thời, chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở từng bước xây dựng và áp dụng các quy định về hệ thống kiểm soát, truy suất nguồn gốc gỗ hợp pháp sử dụng trong các cơ sở chế biến gỗ.
Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm