(GLO)- Dưới cái nắng như đổ lửa của tháng 5 Tây Nguyên, tôi không còn nhận ra Đinh Gruôl-Chủ tịch Hội Nông dân xã Kông Pla, huyện Kbang khi ông đang đầu trần, áo ướt đẫm mồ hôi đi từng đám mía hướng dẫn bà con cách chăm sóc.
Khi biết chúng tôi đã rất vất vả đi tìm ông, ông vội vàng giải thích: “Không phải mình bỏ trực trên xã đâu, tại bà con gọi mình ra đây nhờ hướng dẫn cách chăm sóc mấy giống mía mới, với lại trên xã cũng không có việc gì nhiều, ra vườn nhiều việc hơn”…
Làm giàu để tự tin làm cán bộ
Ông là thế, đã giữ cương vị Chủ tịch Hội Nông dân xã 11 năm nay nhưng ít khi nào ông chịu ngồi yên trong “phòng lạnh”, chỉ khi nào có báo cáo cần làm để chuyển lên Hội cấp trên, hay họp hành thì ông nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện đâu vào đấy. Thời gian còn lại, ông “bỏ công sở” bởi cái lý: “Mình là nông dân, hội viên của mình cũng đều là nông dân nên cứ nói chuyện với nhau ở nương rẫy, ruộng vườn là thoải mái nhất, dễ giúp nhau nhất”.
Ông đi đầu trong việc trồng ớt để hội viên là người Bahnar biết làm theo. Ảnh: N.G |
Cách làm việc của ông thế mà lại hay, được hội viên ủng hộ nhiệt tình. Tiếng lành về một ông cán bộ Hội tâm huyết ngày càng lan xa nên người dân ở tất thảy 4 thôn người Kinh, 6 làng người dân tộc Bahnar hễ ai là nông dân đều đến xin ông tham gia sinh hoạt.
Nhớ lại cái hồi cách đây hơn chục năm, hàng trăm nông dân của xã Kông Pla đồng loạt giơ tay bầu ông làm Chủ tịch Hội, ông phải tính đi tính lại rồi suy nghĩ nhiều lắm. Ông thấy mình còn kém cỏi quá, kinh tế gia đình còn khó khăn làm sao giúp được hội viên? Nhưng người dân đã bầu rồi, cán bộ Hội cấp trên đã tín nhiệm rồi, phải làm thôi chứ biết sao mà phụ lòng? Suy nghĩ quyết tâm làm nên cái tay cái chân cũng quyết làm cho bằng được.
Ông lao vào phát triển kinh tế, ông quyết không cho cỏ dại lấn chiếm đất đai nữa. Ông đi đầu trong việc tìm những phương pháp làm ăn mới, thử các giống cây trồng mới… vì lúc nào ông cũng thấy các hội viên đang dõi theo cách làm của mình để học tập làm theo.
Nhờ thế mà từ chỗ kinh tế gia đình không có gì nổi bật khi vẻn vẹn chỉ có 2 ha đất, giờ ông sở hữu một cơ ngơi đáng nể với 4 ha mía, 5 sào ruộng, 2 sào ớt, 1 ao dùng để nuôi cá, 8 con bò, 2 con trâu, một máy xay xát và một chiếc xe tải lớn ông mua với giá hơn 400 triệu đồng để chuyên chở mía. Với một đầu óc biết tính toán làm ăn, những năm gần đây, gia đình ông thu về gần nửa tỷ đồng mỗi năm. Sau khi trừ mọi chi phí, gia đình ông thu lời chừng hơn 300 triệu đồng.
Ngoài số tiền lo cho cậu con trai cả đang học Trung cấp Y tế ở Đà Nẵng, cậu thứ hai học lái xe, cậu thứ ba theo học Trường Thiếu sinh quân Gia Lai và cậu út đang học lớp 10, số tiền còn lại ông dành để giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn vì ông đã từng nhủ với lòng: “Khi mình có, mình sẽ dành tất cả để giúp hội viên mình thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương…”.
Cương quyết bắt hội viên làm giàu
Nói chính xác là ông đã bắt buộc hội viên, nhất là các hội viên người dân tộc Bahnar phải làm theo cách của ông một cách tuyệt đối. Ông đưa ra câu hỏi: Đất thì có mà tại sao lại phải chịu đói, tại sao phải đi mua gạo? Thế rồi ông xắn tay áo, đến từng nhà giúp họ dỡ đất làm ruộng. Mấy năm nay, hội viên của ông không còn hộ nào phải chịu đói.
Khi đã diệt được giặc đói, ông quyết giúp các hội viên diệt giặc nghèo. Ông không chỉ giúp họ về vật chất mà ông còn giúp cả về ý chí, cả về nghị lực và quyết tâm thoát nghèo. Ông nhắc nhở tất cả các hội viên hãy nhìn vào ông, nhìn vào những gia đình giàu có và đặt câu hỏi: Họ giàu thế sao mình cứ nghèo mãi?
Cứ thế, ông đã giúp rất nhiều hội viên từ giã với nghèo khó. Nhà vợ chồng Zuýt ở làng Lợt nghèo lắm, có hai vợ chồng, hai đứa con thôi mà làm không đủ ăn trong khi đất đai không thiếu. Ông đến tận nhà, theo vợ chồng Zuýt lên rẫy xem cách chúng làm ăn. Ông lắc đầu ngao ngán khi thấy rẫy bắp không được bón phân, đậu không được phun thuốc sâu rầy phá hoại hết cả.
Ông tạo điều kiện cho Zuýt vay vốn ưu đãi và bắt Zuýt phải thay đổi cách làm ăn, đầu tiên phải làm lúa nước để có gạo ăn, tiếp đến trồng ớt rồi trồng mía thì mới mong hết đói nghèo. Cứ thế, từng bước ông giúp vợ chồng Zuýt làm giàu và bây giờ thì nhà Zuýt đã giàu thật, giàu hơn cả nhà ông. Zuýt giờ có 5 ha mía, 2 cái máy cày một lớn một nhỏ, một máy hút cát. Nhắc lại ngày còn nghèo khó, Zuýt gãi đầu thật thà: “Nếu không có chú Gruôl thì chắc vợ chồng mình vẫn còn nghèo chứ đâu được như bây giờ”.
Vụ mía này, ông dùng toàn bộ vốn liếng giúp giống, phân, thuốc cỏ, tiền cày đất ban đầu cho 12 ha mía của bà con hội viên. Mỗi ha chi phí ngót nghét 50 triệu đồng nhưng ông không tính một đồng lời lãi nào. Ông còn tự mình đi chọn giống, chọn phân phù hợp rồi lại đến tận nơi bày cách xuống giống, bỏ phân, phun thuốc… Tất cả những việc ông làm chỉ nhắm đến một mục đích là giúp hội viên của mình làm giàu.
Giờ đây, đi giữa bạt ngàn những đám mía thẳng cánh cò bay, ông tự hào khi mình có nhiều hội viên đang giàu lên trông thấy và rõ ràng là ông cũng có quyền tự hào về chính mình khi màu xanh trên quê hương của hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của ông-một cán bộ Hội đầy tâm huyết.
Nguyễn Giang