Kinh tế

Định hướng mới từ cơ giới hóa trong sản xuất mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mô hình “Cơ giới hóa trong sản xuất mía” được thành phố Kon Tum bắt đầu triển khai trong năm 2012 tại xã Đoàn Kết (TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Đây là địa phương được đánh giá là một trong những vùng chuyên canh trồng mía lớn của tỉnh; là một trong những cây trồng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế thành phố cũng như đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo cho người nông dân.

Những năm trước đây, khi chưa áp dụng mô hình “Cơ giới hóa trong sản xuất mía”, do hạn chế về kỹ thuật sản xuất nên diện tích trồng, năng suất, sản lượng mía trên địa bàn tuy có tăng nhưng không đáng kể. Năm 2012, diện tích mía trên địa bàn toàn thành phố là 1.627 ha (tăng 19 ha so với năm 2011) với sản lượng đạt 81.000 tấn (tăng 1.389 tấn so với năm 2011).
 

Nông dân đang thực hành máy cày đất đa năng IZ-41B. Ảnh: Duy Tân

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cây mía, năm 2012, thành phố Kon Tum đã chỉ đạo triển khai xây dựng, thực hiện mô hình “Cơ giới hóa trong sản xuất mía” tại xã Đoàn Kết-cũng là xã điểm được tỉnh Kon Tum chọn xây dựng NTM.

Tham gia mô hình có 50 hộ nông dân, chia làm 6 nhóm, mỗi nhóm sử dụng 1 máy cày đất đa năng IZ-41B. Đây là loại máy nhỏ, phù hợp di chuyển giữa các hàng mía; đặc biệt, máy phù hợp với nhiều công đoạn sản xuất giúp cơ giới hóa hầu hết các công đoạn trong quá trình làm đất, chăm sóc mía (gồm các khâu: lấp đất sau khi đặt hom trồng mía mới; cày đất để bón phân và xới cỏ; lấp đất sau khi bón phân).

Chi phí cho việc mua 6 máy cày đất đa năng thực hiện mô hình là 166,5 triệu đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 75%, người nông dân chỉ bỏ ra 25%. Để việc sử dụng các máy cày đất đa năng có hiệu quả, các hộ tham gia được hướng dẫn kỹ thuật quản lý, vận hành máy làm đất đa năng và được giới thiệu các loại máy nông nghiệp khác có thể sử dụng vào sản xuất... Đồng thời, cán bộ Trạm khuyến nông thành phố thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ người dân vận hành máy để canh tác, đảm bảo hiệu quả của mô hình.

Qua một thời gian triển khai thực hiện, kết quả triển khai mô hình khá khả quan. Về cơ bản, tuy người nông dân chưa phát huy được hết năng suất, tính năng của máy vì mới sử dụng lần đầu nhưng việc cơ giới hóa toàn bộ các khâu đã nâng cao năng suất, chất lượng, giải phóng được nhiều công lao động, tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành sản xuất. Kết quả sơ bộ cho thấy việc sử dụng máy cày đất đa năng vào làm đất, chăm sóc mía đã tiết kiệm cho nông dân hơn 9,6 triệu đồng mỗi ha, giảm đến 72% chi phí so với trước đây; từ đó tăng lợi nhuận cho nông dân, tạo lợi thế cạnh tranh của cây mía so với các loại cây trồng khác, giúp cho nông dân xóa đói giảm nghèo.

Thêm vào đó, mô hình giúp người nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật mới về cơ giới hóa trong nông nghiệp và sử dụng các loại máy cơ giới phục vụ cho sản xuất; khắc phục tình trạng thiếu lao động; hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, gây tác hại đến môi trường cũng như thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ngoài ra, máy cày đất đa năng còn có thể sử dụng vào sản xuất các loại cây trồng khác.

Như vậy, mô hình “Cơ giới hóa trong sản xuất mía” tại xã Đoàn Kết không chỉ chứng minh hiệu quả của máy làm đất đa năng đối với sản xuất mía và các loại cây trồng mà còn chứng minh hiệu quả của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Kết quả của mô hình được các ngành, các cấp thành phố quan tâm, ghi nhận. Trong thời gian tới, UBND thành phố Kon Tum sẽ định hướng cho việc cơ giới hóa sản xuất mía đối với tất cả các vùng sản xuất mía trên địa bàn, nhằm góp phần phục vụ cho quá trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Duy Tân

Có thể bạn quan tâm