Bạn đọc

Đó là loài sán lông không gây tác hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo Gia Lai online ngày 18-6-2012 đăng bài “Xuất hiện loài vật lạ trong giếng nước”. Sau khi báo đăng, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành kiểm tra, xác định đặc tính sinh học và tác hại của loài.

 

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Y tế, Phòng Y tế huyện Chư Sê kiểm tra, thu mẫu loài sinh vật trên tại giếng (bơm) và bồn chứa nước (bơm từ giếng) của 4 hộ: hộ bà Thọ, tổ dân phố 8; hộ ông Đặng Văn Quyết, tổ dân phố 3; hộ ông Lê Văn Ngỡi, tổ dân phố 5, cùng ở thị trấn Chư Sê và hộ ông Hùng, thôn 4, xã Ia Pal.

Kết quả giám định về phân loại học mẫu “sinh vật lạ” được các chuyên gia bộ môn Động vật sinh thái, khoa Sinh, Trường Đại học Khoa học Huế-Đại học Huế thực hiện: Đây là loài sán lông (hay còn gọi là đỉa phiến), có tên khoa học là loài Dugesia sp, cơ thể loài này có màu xám đen, chiều dài cơ thể 4-10 mm, thân mềm và dẹp theo hướng lưng bụng. Hình dạng cơ thể loài sán lông này thay đổi khi bơi hay bò, trườn trên nền đáy, phần đầu phân biệt với phần thân, đầu có hình tam giác, có 2 mắt kép rõ ràng, thân có lông nhỏ bao phủ, lông tập trung ở hai bên thân và mặt bụng…

Đây là loài phổ biến, sống ở nhiều loại thủy vực nước ngọt ở miền núi, vùng đồi và đồng bằng của nước ta và nhiều nước trên thế giới với mật độ không cao (khoảng vài trăm, vài chục con/m3 nước hay thấp hơn). Loài sán lông này có thể phát tán dễ dàng thông qua các dòng chảy. Có thể phát hiện và thu thập chúng vào các tháng khác nhau trong năm.

Loài sán lông không gây tác hại gì đáng kể, chúng không ký sinh gây bệnh cho người và gia súc. Loài này không gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái, mặt khác chúng còn được xem là loài chỉ thị cho mức độ trong sạch của các thủy vực. Loài sán lông là một mắt xích thức ăn trong hệ sinh thái và góp phần làm sạch các thủy vực vì chúng ăn các vụn bã hữu cơ lắng đọng. Chúng còn là thức ăn của một số động vật lớn như cá, tôm, ấu trùng côn trùng.

Tóm lại, loài sán lông (hay gọi là đỉa phiến) thu được ở thị trấn Chư Sê thuộc loài Dugesia sp, là loài phổ biến. Sự xuất hiện của chúng trong các thủy vực như giếng đào, bồn chứa nước với mật độ rất thấp (nhỏ hơn 10 cá thể/m3) như đã thấy là một hiện tượng sinh học bình thường. Đây là một loài sán sống tự do, không ký sinh gây bệnh và chúng có vai trò tích cực trong hệ sinh thái. Nếu các giếng đào hay dụng cụ chứa nước thấy có xuất hiện loài này với mật độ lớn thì có thể thả các loài cá cảnh bắt mồi tích cực như cá vàng, cá kiếm,…

Ngoài ra, để nguồn nước cấp sinh hoạt, ăn uống đảm bảo vệ sinh, người dân cần thường xuyên vệ sinh làm sạch nguồn nước giếng, các bồn chứa nước, vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh nguồn nước cấp, tránh các nguồn xả thải gây ô nhiễm đến nguồn nước ngầm như: nguồn thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm…, không xây nhà vệ sinh gần nguồn nước cấp…

Thanh Hương (Sở Tài nguyên và Môi trường)
 

Có thể bạn quan tâm