Dự buổi làm việc còn có Tỉnh ủy viên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ayun H’Bút-Phó trưởng đoàn giám sát cùng các thành viên của đoàn giám sát HĐND tỉnh. Về phía UBND tỉnh, tham dự buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh có bà Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Ông Trương Văn Đạt-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: T.D |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2022, Gia Lai xếp vị trí thứ 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thấp hơn 16 bậc so với năm 2021) về chỉ số CCHC; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh xếp vị trí thứ 16/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cao hơn hơn 29 bậc so với năm 2021). Riêng chỉ số CCHC năm 2023 của Gia Lai, hiện tại Hội đồng thẩm định Trung ương đang thẩm định và dự kiến sẽ công bố trong tháng 4-2024.
Đối với việc ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện công tác CCHC nhà nước, ngày 17-9-2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 602/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 của tỉnh Gia Lai. Hằng năm, UBND tỉnh tổ chức các cuộc họp đánh giá những tồn tại, hạn chế và đề ra phương án, giải pháp về CCHC trên địa bàn. UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch kiểm tra và thành lập đoàn kiểm tra công tác CCHC. Năm 2023, các đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại 13/13 đơn vị, địa phương. Qua kiểm tra phát hiện 1 số nội dung còn tồn tại như: Thời gian giải quyết hồ sơ chưa đúng quy định hoặc giải quyết trễ hạn, thực hiện văn bản xin lỗi chưa đúng theo quy định, chưa cập nhật hồ sơ vào Hệ thống Một cửa điện tử...
Tính đến ngày 26-1-2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 27/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC năm 2024 với tổng số 10 TTHC được tiến hành rà soát trọng tâm. Năm 2023, tổng số TTHC được cắt giảm thời gian giải quyết trên toàn tỉnh khoảng 248 TTHC. Đầu năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 40 Quyết định công bố danh mục TTHC và TTHC, quy trình nội bộ giải quyết TTHC; trong đó, công bố mới 43 TTHC, công bố sửa đổi, bổ sung 70 TTHC, công khai bãi bỏ 119 TTHC. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận, giải quyết 53.705 hồ sơ TTHC. Số lượng hồ sơ đã giải quyết là 43.161, giải quyết đúng hạn là 42.659 hồ sơ và quá hạn 502 hồ sơ.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh khảo sát công tác CCHC tại huyện Đức Cơ. Ảnh: T.D |
Đối với việc xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử và Chính quyền số, UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Gia Lai, đổi tên thành Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực công nghệ thông tin làm phó trưởng ban và ban hành các chương trình hành động, kế hoạch chuyển đổi số…
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Trương Văn Đạt-Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh nhấn mạnh: Công tác CCHC của tỉnh có những bước tiến đáng ghi nhận trong những năm gần đây và thể hiện được sự quyết tâm của UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương. Tuy nhiên, chỉ số CCHC, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh còn thấp so với các tỉnh khác. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác CCHC chưa chặt chẽ. Những điều này ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương và công tác thu hút nhà đầu tư đến Gia Lai. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện công tác CCHC; tăng cường kiểm tra, xử lý và đầu tư ngân sách trong công tác chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả trong công tác CCHC ở Gia Lai. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh hoàn thiện báo cáo gửi Văn phòng HĐND tỉnh trình kỳ họp gần nhất; trong đó cần bổ sung thêm những ý kiến, kiến nghị của địa phương với Chính phủ và một số bộ, ngành có bộ những TTHC gây phiền hà trong quá trình thực hiện ở địa phương.