Kinh tế

Doanh nghiệp lỗ nặng vì trữ cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giá cà phê biến động khó lường khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh đối mặt với thua lỗ, bởi trót “ôm hàng” với hy vọng chờ giá lên cao.

Với tổng diện tích 78.224 ha, niên vụ cà phê 2014, tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh ước đạt 196.900 tấn nhân. Nếu đầu vụ giá cà phê nhân ở mức 41-42 ngàn đồng/kg thì hiện nay đang dao động quanh mức 37 ngàn đồng/kg. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.

 

Nông dân nên chia ra bán thành nhiều đợt tùy vào nhu cầu sử dụng tiền vốn. Ảnh: LH
Với kinh nghiệm buôn bán cà phê nhiều năm, ông Võ Ngọc Hiếu-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai, chia sẻ: Cà phê là mặt hàng nhiều biến động nhất. Do vậy, để an toàn, nông dân nên tùy nhu cầu vốn để có thể chia thành nhiều đợt để bán, không nên dồn lại và cố đợi giá.

Mua cao, bán thấp

Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy-Phó Giám đốc Công ty TNHH Tân Phát Phú (xã Trà Đa, TP. Pleiku), chia sẻ: “Trong vụ thu hoạch cà phê vừa qua, Công ty thu mua 400 tấn nhân với giá 41 ngàn đồng/kg. Sau đó đã ký gửi có thời hạn gần 200 tấn cho các công ty lớn và nhận về số tiền được tính bằng 70% mức giá tại thời điểm đó để lấy vốn thu mua quay vòng. Khi hết thời hạn 3 tháng ký gửi cũng là lúc giá cà phê trên thị trường giảm mạnh, Công ty tự động fix ở mức giá 34 ngàn đồng/kg. Như vậy chúng tôi đã lỗ một khoản không nhỏ”.

Vay ngân hàng 3 tỷ đồng để đầu tư thu mua cà phê, ông Nguyễn Hoàng Hiệp-chủ một cơ sở thu mua cà phê tại tổ 8, phường Đống Đa (TP. Pleiku) hiện cũng đang đau đầu với bài toán làm sao để cứu lỗ cho lượng cà phê đang tích trữ trong kho. “Để có tiền quay vòng, tôi cũng đã bán một phần, số còn lại đang được tích trữ trong kho. So với mức giá hiện tại, tôi đã phải lỗ ít nhất là 3,5 triệu đồng/tấn. Đó là chưa kể tiền lãi ngân hàng, tiền đầu tư kho bãi, thuê nhân công và hao hụt tự nhiên…”-ông Hiệp nói.

 

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: LH

Sở hữu 1.150 ha cà phê, Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai hàng năm tiêu thụ khoảng 7-8 ngàn tấn cà phê nhân. “Thời điểm hiện tại, Công ty vẫn còn 30% lượng hàng ký gửi trong kho. Việc bảo quản gặp không ít khó khăn và tốn kém song vì giá thấp nên Công ty vẫn tiếp tục tích trữ, chờ giá cao hơn”-ông Võ Ngọc Hiếu-Giám đốc Công ty, chia sẻ.

Trước tình hình giá cà phê biến động như hiện nay, ông Hiếu nhận định, chỉ những doanh nghiệp tích trữ mới chịu ảnh hưởng mạnh, còn người dân thì chỉ là chuyện lãi nhiều hay ít. Vì thực tế, giá khoảng 30 ngàn đồng/kg là người trồng cà phê đã có lãi.

Thấp thỏm chờ giá lên

 

Tích trữ cà phê khiến không ít người đau đầu khi giá giảm mạnh. Ảnh: LH

“Ở mức giá như hiện nay, chúng tôi bị lỗ 7-8 triệu đồng/tấn cà phê nhân. Với lượng hàng đang có thì công ty bị lỗ khoảng 2 tỷ đồng. Với 200 tấn cà phê còn lại trong kho, chúng tôi tiếp tục chờ giá lên mới bán”-chị Thùy cho biết.

“Rất khó để có thể dự báo về thị trường cà phê. Với lượng hàng còn tồn kho, chúng tôi cũng đã tính toán phương án hợp lý nhất, làm sao để hạn chế tới mức tối thiểu các thiệt hại”-ông Võ Ngọc Hiếu-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cà phê Gia Lai, khẳng định.

Theo Sở Công thương Gia Lai, toàn tỉnh hiện còn 4 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê. 6 tháng đầu năm 2015, tổng lượng cà phê xuất khẩu của 4 doanh nghiệp này đạt khoảng 74.000 tấn, chưa bằng 50% so với cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu cà phê giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước đồng thời cũng kéo theo tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh giảm tới 56% trong 4 tháng đầu năm 2015. Ông Nguyễn Tấn Lực-Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu và Thương mại điện tử (Sở Công thương tỉnh) cho biết: “Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, có những thời điểm xuất khẩu cà phê chiếm tỷ trọng 75-80% tổng kim ngạch xuất khẩu. Sự biến động giá cả cà phê thời gian qua đã tác động tiêu cực đến lĩnh vực xuất khẩu của cả tỉnh”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm