(GLO)- Đã từ lâu, cứ vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều người lại tìm đến cơ sở bò khô Huy Vũ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa) để mua món bò khô thơm ngon về thưởng thức.
Sản phẩm bò khô Đak Đoa được giới thiệu tại tuần lễ đồi cỏ hồng năm 2017. Ảnh: N.H |
Với nhiều người ở huyện Đak Đoa, cơ sở bò khô Huy Vũ từ lâu đã không còn xa lạ. Bởi lẽ, sản phẩm của cơ sở này được rất nhiều người sử dụng làm quà biếu cho người thân hoặc làm thức nhắm ngày thường cũng như dịp lễ, Tết. Anh Huỳnh Quốc Hiệu-chủ cơ sở bò khô Huy Vũ, cho hay, nghề làm bò khô của gia đình có từ cách đây 22 năm khi ba mẹ anh mang nghề gia truyền này từ Quảng Ngãi lên Đak Đoa. Cũng từ đó, sản phẩm bò khô của gia đình anh được nhiều người biết đến. Lớn lên, anh tiếp tục nối nghề truyền thống của gia đình, từng bước xây dựng thương hiệu bò khô Đak Đoa.
Để làm ra được những sợi bò khô thơm ngon, hợp khẩu vị của nhiều người là cả một quá trình cùng nhiều “bí quyết”. Mỗi ngày, anh Hiệu dậy từ lúc 3 giờ sáng, ngược lên TP. Pleiku lấy thịt bò đặt sẵn ở các cơ sở giết mổ gia súc để về chế biến. Theo anh Hiệu, món bò khô ngon trước hết nguyên liệu phải là thịt bò cỏ được lựa chọn kỹ. Đó là phần thịt chất lượng nhất mà trong mỗi con bò chỉ có chừng 4-5 kg. Sau đó đem thịt rửa sạch, luộc chín và xé tơi trước khi tẩm ướp các loại gia vị rồi rim khô cho thấm vào từng sợi thịt. Gia vị để làm bò khô rất phong phú và đa dạng gồm đường, sả, bột ngọt, gừng, ớt... Với bò khô làm thành miếng, phải chọn phần thịt bò bắp, thịt đùi chất lượng, khi luộc chín vừa phải thì xắt thành lát ướp các loại gia vị rồi đem rim, sau đó sấy than ở nhiệt độ vừa phải. Khoảng 36 tiếng đồng hồ mới ra được một mẻ bò khô khoảng 5 kg.
Nhờ sản phẩm bò khô làm ra thơm ngon, hương vị độc đáo nên nhiều năm qua, cơ sở bò khô Huy Vũ thu hút một lượng khách hàng ổn định không chỉ trong tỉnh mà còn ở các tỉnh thành khác như: TP. Hồ Chí Minh, Kon Tum, Đak Lak… Đặc biệt, nhiều người ở nước ngoài mỗi khi có dịp về thăm quê hương cũng tìm đến cơ sở đặt mua làm quà giới thiệu cho nhiều người thưởng thức.
Với thị trường tiêu thụ ổn định, trung bình mỗi ngày, cơ sở sử dụng khoảng 100 kg thịt bò tươi để chế biến. Tùy theo mùa khô hay mùa mưa mà lượng thịt bò khô làm ra cũng khác nhau. Bắt đầu từ tháng Chạp là cao điểm để làm sản phẩm phục vụ Tết, mỗi ngày có thể sử dụng 500-600 kg thịt bò. Cận Tết thì dẫu khách tìm đến đặt cọc trước, cơ sở cũng không dám nhận. “Mục tiêu cao nhất của cơ sở là sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng chứ không chạy theo số lượng”-anh Hiệu nói.
Anh Hiệu cho biết thêm: “Với nghề gia truyền cùng với niềm tin của khách hàng từ 22 năm nay, cơ sở chúng tôi không sử dụng các chất bảo quản, không dùng thịt nguội (thịt dự trữ từ hôm trước) để chế biến bò khô. Thay vào đó, mỗi ngày cơ sở chỉ chế biến hết số lượng thịt nguyên liệu đã đặt để tạo ra sản phẩm chất lượng”.
Nguyễn Hồng