Báo xuân

Độc đáo chợ Gò quê tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bình Định quê tôi có nhiều chợ nổi tiếng như: chợ Giã, chợ Đình, chợ Gồm, chợ Dinh… nhưng độc đáo nhất là chợ Gò. Đó là một ngôi chợ rộng chừng hai mẫu tây ở thôn Phong Thạnh, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nay là thị trấn Tuy Phước.

Đời sống dân cư trong vùng khá sung túc có lẽ nhờ hội tụ được cả hai yếu tố “nhất cận thị, nhị cận giang” và liền kề quốc lộ 1 (cũ). Đây cũng là vùng làm vôi nổi tiếng với câu ca dao “Bao giờ Trường Úc hết vôi/Đôi ta hết đứng, hết ngồi với nhau”. Chợ nằm bên sông Tọc, một nhánh của sông Hà Thanh, dựa lưng vào núi Trường Úc. Bờ sông dốc, hàng cây xanh lòa xòa tỏa bóng che mát rượi một quãng sông. Ghe thuyền đậu san sát để chở hàng, chủ yếu là vỏ ốc, san hô (để nung vôi) và những loại chum vại làm bằng đất nung, thùng, bao vôi tôi…

 

 

Nét độc đáo của chợ Gò là bởi mỗi năm chợ chỉ nhóm họp một lần vào ngày mùng Một Tết và cũng chỉ diễn ra trong một buổi sáng. Tương truyền trước đây khu vực chợ là nơi tập trận của quân Tây Sơn. Bộ binh đóng đồn trên núi Trường Úc, thủy quân đi thuyền từ đầm Thị Nại vào cửa Làng Sông rồi đổ bộ lên, hai bên thủy bộ tập trận với nhau. Để khuây khỏa nỗi nhớ nhà trong dịp Tết, các tướng lĩnh tổ chức cuộc vui ngay trên thao trường vào sáng mùng Một và mùng Hai Tết, thân nhân binh sĩ cũng đến đây thăm nhưng khi trời xế bóng thì phải ra về để cho lính chuẩn bị canh phòng về đêm.

Hàng năm gia đình binh sĩ đến thăm chồng con, dân làng mang thức ăn, nước uống ra bán, lâu dần thành lệ. Đến khi quân Tây Sơn tan rã, nơi đây trở thành hội Tết chợ Gò, mỗi năm chỉ hội hai ngày mùng Một và mùng Hai tháng Giêng, đến trưa thì tan chợ.

Đó là nghe truyền lại, thực tế tôi chỉ thấy chợ nhóm họp mỗi sáng mùng Một Tết. Thời thơ ấu (những năm 60 thế kỷ trước), sáng mùng Một Tết được cha dẫn đi chợ Gò là chúng tôi mừng rỡ, reo vang nhà. Còn nhớ chợ họp trên bãi đất rộng, không có lều, sạp, nhưng người mua kẻ bán nhộn nhịp, ai cũng ăn mặc đẹp, đặc biệt phụ nữ đi chợ đều mặc áo dài.

Ngoài hàng rau củ, hoa quả, trầu cau, còn có các sòng xóc đĩa, bầu cua, người tụm năm tụm ba đỏ đen, riêng trẻ em chúng tôi thích nhất là hàng pháo. Đủ các loại pháo: pháo tép, pháo chuột, pháo bánh, pháo dây, pháo thăng thiên nhuộm xanh đỏ… Năm nào cha tôi cũng mua cho mấy chiếc pháo thăng thiên, một mặt hàng phổ biến ở chợ ngày ấy. Pháo thăng thiên được làm thủ công, dạng mũi tên, một phần thân nhồi thuốc phóng, đầu phía gần ngòi được làm không chắc để thuốc phóng dễ dàng phụt ra ngoài tạo lực phản đẩy pháo bay lên. Thân pháo gắn chặt vào một que tre nhỏ, dài chừng 25-30 cm. Khi đốt, nhất là ban đêm, pháo bay lên không trung phụt ra luồng lửa trông rất đẹp mắt. Chợ bấy giờ rất nhiều người bán pháo thăng thiên, buộc thành những bó lớn, đủ màu.

Trải qua vài trăm năm, bây giờ chợ Gò càng đông vui hơn xưa và hàng hóa cũng có khác. Tất nhiên là không có pháo, thay vào đó là các mặt hàng thực phẩm và đồ dùng gia đình. Người đi chợ đông đến nỗi tràn cả ra đường, xe cộ không qua lại được. Chính quyền và ngành văn hóa địa phương còn tổ chức hát bài chòi, đánh cờ người, viết thư pháp, câu đối… thu hút du khách từ nhiều nơi đến vui Xuân.

Xa quê, cứ đến sáng mùng Một Tết tôi lại nhớ đến nao lòng cái se se lạnh của sáng Xuân và những chiếc pháo thăng thiên cha mua ngày trước ở chợ Gò…

Nguyên Anh

Có thể bạn quan tâm