Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Độc đáo kỹ thuật đan "áo" chiêng của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bằng đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên đã tạo ra nhiều vật dụng phục vụ nhu cầu hàng ngày. Trong số đó, “áo” chiêng của người Jrai là một đồ vật được làm rất kỳ công.
“Áo” chiêng hay giỏ đựng chiêng là đồ vật người Jrai dùng để cất giữ, bảo vệ chiêng khi không sử dụng. Với đồng bào Jrai, những bộ chiêng hoặc chiêng quý, có giá trị lớn như chiêng bom, chiêng pat, chiêng Lào… đều được gìn giữ, bảo quản bằng những chiếc “áo” hết sức cầu kỳ. Ngoài chức năng bảo quản, “áo” chiêng còn là vật dụng biểu đạt trình độ thẩm mỹ, sự khéo léo, tài nghệ và sáng tạo của người làm ra nó.
Người Bahnar cũng sử dụng “áo” chiêng nhưng ít và được làm khá đơn giản, không cầu kỳ như người Jrai. Nơi lưu giữ “áo” chiêng nhiều nhất của người Jrai hiện nay thuộc các xã biên giới huyện Ia Grai, trong đó, Ia O là một trong những xã có nhiều nghệ nhân đang nắm giữ và thực hành các kỹ thuật tạo ra những chiếc “áo” chiêng mang đặc trưng riêng.
“Áo” chiêng được làm từ những sợi dây mây, có thể khối dạng tròn, đường kính trung bình khoảng 48 cm đến 80 cm. Khi làm, nghệ nhân chủ đích làm lớn hơn đường kính chiêng từ 1 cm đến 1,5 cm, bởi như vậy mới có thể thuận lợi cho việc bỏ vào, lấy ra khi sử dụng và vừa đảm bảo dễ dàng khi vận chuyển. Do đó, mỗi chiếc “áo” dành cho từng cái chiêng nhất định, ít khi dùng “áo” chiêng này để bỏ chiêng khác (trừ trường hợp 2 loại chiêng cùng kích thước). Có 2 loại “áo” chiêng, loại thứ nhất được đan đơn giản với kỹ thuật cài nan hình lục giác tạo hoa văn như những chiếc gùi thưa, thường để cất giữ những bộ chiêng bình thường, ít giá trị và chiêng bằng (không có núm). Loại thứ 2 được làm công phu, tỉ mỉ, có giá trị thẩm mỹ cao, dùng để cất giữ những chiêng quý, có giá trị cao và thường chỉ dùng để chiêng có núm. Lý giải vấn đề này, các nghệ nhân làng Mít Jep (xã Ia O) cho biết: Phần lớn chiêng quý là loại chiêng có núm. Do đó, việc làm những chiếc “áo” chiêng cầu kỳ là để cất giữ, bảo vệ chiêng.
“Áo” chiêng của người Jrai với những nút thắt, kết và quấn tinh xảo. Ảnh: Phương Loan
Quy trình làm “áo” chiêng trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ, phức tạp. Mây được lấy ở rừng sau đó về chuốt, vót thành những sợi nan, phơi khô hoặc gác bếp trong một thời gian nhất định để đảm bảo độ dẻo, bền cho sản phẩm. Để làm một chiếc “áo” chiêng, người ta thường dùng 2 loại nan. Loại thứ nhất dùng để kết, quấn được chẻ, vót mỏng đều đặn, bản dẹp, rộng khoảng 2 mm. Loại thứ 2 được làm từ những sợi mây nguyên thân có tiết diện tròn, đường kính khoảng 3 mm, được dùng để làm khung sườn của chiếc “áo” chiêng, đó là những vòng tròn liên hồi, uốn theo hình xoắn ốc được kết với nhau bằng các sợi nan bản dẹp đã nói trên. Khi làm, nghệ nhân dùng sợi dây mây có tiết diện tròn và các nan mây đã được chuốt sẵn kết hợp với nhau tạo thành các vòng tròn từ trung tâm ra rìa mép theo hình xoắn ốc, hết sợi mây này thì nối thêm sợi mây khác cho đến lúc kích thước “áo” chiêng phù hợp với kích thước chiếc chiêng được định trước. Để liên kết các vòng tròn lại với nhau, nghệ nhân không sử dụng kỹ thuật đan, cài mà sử dụng kỹ thuật kết, thắt và quấn. Họ dùng sợi nan bản dẹp một đầu thắt mối nối, đầu kia luồn và quấn một vòng để gộp vòng tròn thứ nhất với vòng tròn thứ 2 lại với nhau (làm đồng thời nhiều nan), sau đó tiếp tục quấn chặt để kết vòng tròn thứ 2 với vòng tròn thứ 3 sát khít với nhau và cứ liên tục xen kẽ giữa các vòng tròn từ tâm ra rìa mép. Trên “áo” chiêng có những lỗ trống, khoảng thưa được tạo bởi những sợi dây mây bản dẹp thắt nút kết chéo nhau để liên kết các vòng mây với khoảng cách vòng này cách vòng kia khoảng 1 cm nhằm tạo những lỗ trống hay tạo hình những hoa văn bắt mắt làm điểm nhấn cho “áo” chiêng. Trong kỹ thuật làm “áo” chiêng, việc tạo những lỗ trống, khoảng thưa là rất cần thiết và đôi khi trở thành quy định bắt buộc, bởi nó không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ của chiếc “áo” chiêng mà còn có chức năng để lộ rõ vẽ đẹp của chiếc chiêng được cất giữ.
“Áo” chiêng có 2 phần: phần mặt là phần áp sát vào lưng của người khi đeo, gùi chiêng, còn lại là phần lưng là phần có núm tròn nhô lên để khớp với núm của cái chiêng. “Áo” chiêng được làm 2 mặt riêng biệt sau đó kết 2 mặt lại với nhau, phần khớp nối giữa 2 mặt được gọi là ben, phần này chỉ chiếm 1/3 chu vi “áo” chiêng, 2/3 còn lại để trống là miệng của “áo” chiêng. Chính giữa miệng “áo” chiêng, ở 2 rìa mép người ta làm 2 khuy nhỏ để sau khi bỏ chiêng vào thì buộc lại cho chặt. Để hoàn chỉnh, nghệ nhân gắn cho “áo” 2 dây đeo, đầu dây trên được gắn vào thành miệng của phần lưng rồi quàng qua miệng và buộc đầu dưới vào vị trí kết nối giữa 2 phần của “áo” chiêng nhằm tạo sự chắc chắn khi đeo. Nghệ nhân mất khoảng 5 ngày liên tục để hoàn thiện 1 chiếc “áo” chiêng.
Có thể nói, làm “áo” chiêng là một việc khó, đòi hỏi nghệ nhân phải tỉ mẩn, sáng tạo và khéo léo. Ông Pui Dyoh (làng Bi, xã Ia O, huyện Ia Grai) cho biết: Làm “áo” chiêng rất khó. Không phải ai biết đan lát đều làm được, chỉ những người giỏi, có kinh nghiệm mới làm được.
Trong cuộc sống, “áo” chiêng không làm sẵn để bán như một số mặt hàng đan lát khác, thường chỉ được làm khi có người đặt hàng. Hơn nữa hiện nay, với nhiều nguyên nhân khác nhau như: nghệ nhân ngày càng già yếu, lớp trẻ ít quan tâm đến nghề truyền thống, nguyên liệu khan hiếm… nên “áo” chiêng ngày càng ít, “nghề” làm “áo” chiêng ngày càng mai một. Vì vậy, tiếp tục duy trì, trao truyền giữa các thế hệ trong nghề đan lát truyền thống là việc làm cần quan tâm. Cùng với đó, cần chú trọng sưu tầm và bảo quản các hiện vật này nhằm tuyên truyền, quảng bá góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của địa phương.
XUÂN TOẢN

Có thể bạn quan tâm