Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Độc đáo lễ rước tôn vinh nghệ nhân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tối 1-5, lễ rước tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề đã bế mạc Festival nghề truyền thống Huế 2013 chủ đề Tinh hoa nghề Việt.
 

Lễ rước tôn vinh tổ nghề Việt Nam tại Festival nghề truyền thống Huế 2013. Ảnh: Bùi Oanh
Lễ rước tôn vinh tổ nghề Việt Nam tại Festival nghề truyền thống Huế 2013. Ảnh: Bùi Oanh

Lễ tế tổ bách nghệ, diễn ra trước đó tại Công viên Phan Bội Châu, thành phố Huế với những nghi thức cổ truyền, tri ân các vị tổ, các vị thần nghề, khai mở và truyền nghề cho hậu thế. Đồng thời cầu mong cho sản xuất phát triển tốt đẹp, bình an và may mắn, do các nghệ nhân dân gian ở thành phố Huế làm chủ lễ. Tiếp đó, lễ rước tôn vinh nghề, đi đầu là nghệ nhân các làng nghề cùng với các thiếu nữ trong trang phục áo dài tay cầm đèn, hoa kết dòng chữ "Tinh hoa nghề Việt" và bản đồ Việt Nam kết bằng nón lá, một trong những nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của Cố đô Huế... diễn ra suốt chiều dài từ công viên Phan Bội Châu trên đường Lê Lợi, đến sân khấu bia Quốc Học để dự lễ bế mạc Festival Nghề truyền thống Huế 2013.
 

2
Ảnh: Bùi Oanh

Trước đó, hàng ngàn người dân và du khách thập phương tại TP. Huế, nô nức đổ về đứng chật kín trước mặt di tích Nghinh Lương Đình cổ vũ 300 vận động viên tham dự Giải đua ghe trên sông Hương. Đây là hoạt động cộng đồng tại Festival nghề truyền thống Huế 2013. Qua đó, động viên phong trào rèn luyện thể dục thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe phục vụ lao động sản xuất, khai thác hải sản, phòng chống lụt bão.

Ông Phan Trọng Vinh-Chủ tịch UBND TP. Huế, Trưởng ban tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2013 cho biết, khác với các lần tổ chức trước, không gian Festival nghề truyền thống Huế 2013 mở rộng, trải dài hai bờ sông Hương. Ở khu vực phía Nam, trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, hơn 200 nghệ nhân và các làng nghề Việt Nam được tôn vinh trong một không gian trữ tình, khoáng đãng bên bờ sông Hương. Hơn 20 hoạt động văn hóa khác và các triển lãm thư pháp, dệt may, cổ vật cung đình, nghệ thuật cây kiểng và các hội thảo khoa học, hội chợ diễn ra trong những ngày tổ chức Festival nghề truyền thống Huế từ ngày 27-4 đến 1-5. Đặc biệt, tại Festival năm nay, lần đầu tiên có sự xuất hiện trưng bày quốc tế dệt may độc đáo với chủ đề "Metamorphoses" (Cộng hòa Pháp) và hoạt động trưng bày giới thiệu di sản văn hóa truyền thống của thành phố Saijo cùng với triển lãm các sản phẩm tạo hình bằng tre của nghệ sỹ Ueno Masao (Nhật Bản).
 

Khách nước ngoài tham quan các gian trưng bày tôn vinh nghệ nhân và làng nghề Việt tại Festival nghề truyền thống Huế 2013. Ảnh: Bùi Oanh
Khách nước ngoài tham quan các gian trưng bày tôn vinh nghệ nhân và làng nghề Việt tại Festival nghề truyền thống Huế 2013. Ảnh: Bùi Oanh

Sau 5 lần tổ chức, Festival nghề truyền thống Huế trở thành một trong những chương trình văn hóa, nghệ thuật truyền thống vô cùng đặc sắc của TP. Huế, thu hút được sự quan tâm người dân địa phương và hàng vạn du khách trong và ngoài nước. Đồng thời,  Festival cũng góp phần tôn vinh và phát triển cho làng nghề truyền thống của Việt Nam.
 

Lễ hội đua ghe trên sông Hương là hoạt động cộng đồng tại Festival nghề truyền thống Huế 2013.
Lễ hội đua ghe trên sông Hương là hoạt động cộng đồng tại Festival nghề truyền thống Huế 2013. Ảnh: Bùi Oanh

Chiều 1-5, thống kê chưa đầy đủ từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, dịp lễ 30-4 và Quốc tế Lao động, khách du lịch đến Huế tăng đột biến. Khách lưu trú ở các khách sạn đạt con số 70.000 lượt người, trong đó khách quốc tế đến đạt con số kỷ lục với 12.000 lượt người trong điều kiện sân bay quốc tế Phú Bài đóng cửa sửa chữa. Đặc biệt, trong hai ngày 28 và 29-4, nhiều khách sạn, nhà nghỉ tại TP. Huế đạt công suất phòng từ 70 đến 80% cao nhất so với cùng kỳ các năm trước. Trong 5 ngày lễ đã có khoảng 100.000 lượt khách đến thăm khu di sản Huế và các gian trưng bày tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề Việt tại Festival nghề truyền thống Huế 2013. Doanh thu qua bán vé tại các di tích Huế bình quân mỗi ngày đạt khoảng 1 tỷ đồng. Các địa điểm du lịch khác như Thanh Tân, Lăng Cô, Bạch Mã cũng đón hàng ngàn lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng mỗi ngày.

Bùi Oanh

Có thể bạn quan tâm