“Gần 35 năm trong ngành Công an, tôi nghiệm ra rằng đã là lính hình sự thì phải đối mặt với vất vả, hiểm nguy…”- đó là tâm sự của Trung tá Nguyễn Ngọc Sang- Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (Công an thị xã An Khê, Gia Lai).
Chấp nhận gian nguy
Đã có một thời, thị xã An Khê được ví như một trong những điểm nóng tập trung khá nhiều thành phần bất hảo “xem tù là nhà, lệnh tha là phép”. Những năm gần đây, tình hình tội phạm trên địa bàn thị xã giảm hẳn… Phía sau thành công đó là sự hy sinh âm thầm của những người lính hình sự nơi đây…
Cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (Công an thị xã An Khê) đang trao đổi nghiệp vụ. Ảnh: Lê Anh |
Cuối năm 2009, trên địa bàn thị xã thường xuyên xảy ra những vụ trộm cắp tài sản. Chuyên án T.1109 được lập ra với quyết tâm phải xóa sổ những băng nhóm trộm cắp, lập lại ổn định an ninh trật tự. Dù Tết Nguyên đán đã cận kề, nhưng những chiến sĩ Cảnh sát Hình sự vẫn ngày đêm giăng lưới mai phục. Đến rạng sáng ngày 22-1-2010, tổ công tác phát hiện một nhóm đối tượng nghi vấn và lập tức vây bắt. Khi bị phát hiện, các đối tượng tìm cách thoát thân, nhưng khi bị dồn vào đường cùng, chúng đã liều lĩnh dùng bình xịt hơi cay và hung khí thủ sẵn trong người để chống trả lực lượng truy bắt. Nhưng với sự dũng cảm, mưu trí, tổ công tác đã khống chế bắt hai đối tượng Nguyễn Ngọc Đoàn (SN 1989) và Lê Văn Hương (SN 1991) cùng trú tại Đak Lak, sau đó đã bắt thêm Trần Thanh Tùng (SN 1991). Qua đấu tranh, cơ quan Công an xác định đây là nhóm trộm cắp liên tỉnh, hoạt động tinh vi và liều lĩnh. Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ án mà Công an thị xã An Khê triệt phá thành công.
Và nỗi niềm thầm lặng
Năm 2009, tội phạm hình sự trên địa bàn thị xã An Khê giảm 14,47% so với năm 2008, trong đó tội phạm trộm cắp tài sản giảm 20,4% và hơn 80% vụ án đều được phá, 100% các vụ án nghiêm trọng khác được phá án thành công, trao trả lại rất nhiều tài sản có giá trị cho người bị hại, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân… Đội Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội (Công an thị xã An Khê), cùng nhiều chiến sĩ trong đội cũng đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Công an và Công an tỉnh… Nhưng phía sau những chiến công đó chất chứa một nỗi niềm sâu thẳm của người lính hình sự.
“Người lính già” Nguyễn Ngọc Sang, người vẫn thường được gọi bằng cái tên thân mật “chú Tám”, đang sở hữu những thành tích mà bất cứ người nào cũng phải mơ ước. Năm 2007 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, 4 lần được Bộ Công an, 1 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và rất nhiều phần thưởng khác cho sự cống hiến và những chiến công trong công tác mà đến bây giờ ông cũng không thể nào nhớ hết. Nhưng trong tâm hồn ông vẫn phảng phất một nỗi niềm xa thẳm: “Chiến công của tôi cũng là của tập thể, của đồng chí, đồng đội cùng sát cánh bên nhau. Đời lính hình sự, rất ít khi được bình yên, là nghề mà có thể rời khỏi nhà mọi lúc, không kể nắng mưa, ròng rã mấy ngày, thậm chí hàng tháng, chịu biết bao gian khổ để truy tìm tội phạm. Nhiều khi giật mình nhìn lại, nghĩ mà thương và có lỗi với vợ con, nhưng biết làm sao được…”-ông tâm sự.
Cánh lính hình sự vẫn thường đùa với nhau rằng: Sau cuộc chiến với tội phạm, sẽ xuất hiện một cuộc chiến cam go hơn rất nhiều, đó là đấu tranh tư tưởng với “hậu phương”. Ai trong nghề mà chưa trải qua hoàn cảnh bị vợ giận hờn, “cấm vận” vì tội đi sớm về muộn, không chăm lo cho gia đình… Trong “cuộc chiến” này, đầu tiên các anh phải “cúi đầu nhận lỗi” nhằm xoa dịu “hậu phương” trước khi đả thông tư tưởng. Tất nhiên, rồi mọi việc sẽ qua, khi gia đình, bạn bè hiểu và thông cảm cho nghề của các anh. Còn kẻ xấu thì chúng tôi tiếp tục chấp nhận vất vả hiểm nguy, vì một xã hội bình yên”…
Lê Anh