Đổi mới là yêu cầu tất yếu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đối với những người từng trải qua thời kỳ bao cấp, cảm xúc mừng vui, phấn khởi vào những ngày đầu đổi mới như vẫn còn vẹn nguyên.

Những tháng ngày phải dậy sớm từ 2-3 giờ sáng để đi xếp hàng mua gạo ở cửa hàng thực phẩm là khoảng thời gian mà bà Nguyễn Thị Thu (tổ 4, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) nhớ mãi. “Thời bao cấp, người dân bị hạn chế về mọi mặt từ đời sống vật chất đến đời sống tinh thần nên ai ai cũng cảm thấy bí bức, nghèo đói đeo đuổi mà không biết làm cách nào để thoát ra được. Vì vậy, bắt đầu từ năm 1986 khi mà bao cấp dần bị xóa bỏ, mọi người cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi”-bà Thu chia sẻ.

 

Một cửa hàng mậu dịch thời bao cấp. Ảnh: Internet

Khi đổi mới, bà Thu không còn bị giới hạn mua hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm theo tiêu chuẩn, cấp bậc nữa. Bà Thu hồi nhớ, có lần cơ quan bà được 4 suất mua màn tuyn cho mấy chục con người. Số màn quá ít trong khi người muốn sở hữu lại quá đông nên một cuộc họp diễn ra nhằm bình bầu, chọn những ai hoàn thành tốt công việc mới được một suất. Cho nên, khi mà cái thời giành nhau mua một cục xà bông, một lít dầu hỏa,… bị xóa bỏ, ai ai cũng như vừa trút được một gánh nặng ngàn cân.

Ông Phan Hữu Khanh (trú tại 154/21 Lê Lợi, TP. Pleiku) gắn với bao cấp từ thời còn là học sinh tại Thái Bình. Mỗi học sinh khi đó cũng được cấp một cuốn sổ màu xanh lá non để mua gạo, dầu hỏa,… Sau này, ông về làm giáo viên tại Trường THPT Pleiku 1 (thị xã Pleiku) vào năm 1986 lại tiếp tục chế độ bao cấp: hộ khẩu tập thể, sổ gạo tập thể, hàng hóa mua về trừ vào lương, phân phát lại cho từng giáo viên. Ngày đó để mua được một chiếc xe đạp là khá gian nan bởi cửa hàng mỗi tháng lại về một chi tiết, bộ phận riêng. Ai có tiêu chuẩn mua cũng phải chờ mua đầy đủ mới có thể lắp ráp. Vì vậy, phải mất rất nhiều năm, ông Khanh mới có cho mình một chiếc xe đạp. Vì vậy, khi đất nước chuyển mình đổi mới, cũng như bao người dân khác, ông Khanh rất vui mừng bởi cuộc sống của gia đình ông cũng như nhiều gia đình khác như bước sang một trang mới, ấm no hơn, đủ đầy hơn.

Công cuộc đổi mới đất nước đã thổi một luồng sinh khí mới cho tất cả mọi phương diện của đời sống, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa. Cách làm văn hóa thời bao cấp không mạnh dạn xã hội hóa khiến một thời gian dài văn hóa bị kìm hãm, không phát triển. Sau đổi mới, hoạt động vă nhóa, thể thao được mở rộng cơ chế, tạo điều kiện để nâng cao chất lượng, phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân. Đơn cử như hàng loạt nhà sản xuất phim, rạp chiếu phim tư nhân ra đời thay thế toàn bộ phim ảnh, các rạp chiếu bóng do Nhà nước sản xuất, quản lý như trước đây.

Trao đổi cùng P.V về những đổi thay tích cực trong ngành Văn hóa sau khi đổi mới, ông Phan Xuân Vũ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, chia sẻ: “Đổi mới, thoát khỏi thời kỳ bao cấp đem lại một nguồn sinh khí mới cho người dân, cho đất nước. Nó bãi bỏ thời kỳ ngăn sông cấm chợ, mở ra hướng đi mới cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả lao động, sức sáng tạo trong nhân dân.

Đối với đời sống văn hóa của nhân dân, thời kỳ đổi mới đem lại nhiều cơ hội giao lưu, tiếp xúc, mở rộng quan hệ với nhiều luồng văn hóa khác. Đặc biệt đối với giới văn nghệ sĩ, hoạt động sáng tác, người làm công tác văn hóa nghệ thuật được nới lỏng giám sát, mở rộng đường biên tự do hơn nên không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều lấy làm vui sướng”. Vốn là một cán bộ đi qua từng thời kỳ khó khăn, ông Vũ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của kinh tế, xã hội, văn hóa của tỉnh nhà sau 41 năm thống nhất và sau 30 năm đổi mới. “Đáng chú ý nhất là công cuộc điện khí hóa nông thôn. Đến nay, từ nông thôn cho đến thành phố đều có điện; giáo dục được chú trọng, ai ai cũng được đi học; các dịch bệnh được đẩy lùi; xóa được đói nghèo, thu nhập và đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao”-ông Vũ bày tỏ.

Phương Vy

Có thể bạn quan tâm