(GLO)- Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014. Nghị định hướng tới việc bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người kinh doanh và người tiêu dùng, góp phần đảm bảo ổn định thị trường, nhất là nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Điều dễ thấy nhất là mức độ nghiêm khắc và tính răn đe, phòng ngừa của chế tài phạt tiền đối với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại do tổ chức thực hiện đã tăng lên đáng kể. Theo đó, “đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân”.
Nghị định 185 quy định, cá nhân thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng, vi phạm này của tổ chức sẽ áp dụng mức phạt tối đa 400 triệu đồng. Riêng cá nhân có hành vi buôn bán hàng cấm giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền đến 100 triệu đồng, nếu là hành vi sản xuất hàng cấm, mức phạt tiền sẽ là 200 triệu đồng. Riêng các vi phạm này của tổ chức sẽ bị phạt tiền gấp đôi. Các hành vi vi phạm hành chính khác trong hoạt động thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thương mại điện tử thì mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Nghị định cũng quy định nhiều mức phạt hợp lý tương ứng với mức độ vi phạm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, sẽ phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm như không thông báo rõ ràng, công khai với người tiêu dùng về mục đích trước khi thực hiện hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng theo quy định, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của người tiêu dùng theo quy định. Với các hành vi không cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa, không cung cấp hướng dẫn sử dụng hoặc không cung cấp thông tin về điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành, che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng… cũng sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Mai-Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh cho biết: “Điểm mới rất quan trọng được quy định trong Nghị định 185 là giới hạn đối tượng quyền được xử phạt. Liên quan đến thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, lập biên bản và xử phạt vi phạm, bên cạnh việc quy định thẩm quyền của lực lượng Quản lý Thị trường với tư cách là một trong những lực lượng chủ công trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại thì Nghị định cũng quy định thẩm quyền của các lực lượng chức năng khác như: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển và Thanh tra chuyên ngành”. Có quan điểm cho rằng hoạt động thanh tra, kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể kinh doanh trên thị trường. Do vậy, thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ được quy định giới hạn cho một số lực lượng chức năng.
Cụ thể, những người có thẩm quyền của cơ quan Công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định tại Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Những người có thẩm quyền của cơ quan Hải quan có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, các dịch vụ liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới theo thẩm quyền quy định tại Điều 42 Luật Xử lý vi phạm hành chính và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền quy định tại Điều 40 của Luật này. Các quy định như vậy nhằm ngăn chặn sự tùy tiện trong xử phạt, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của các chủ thể kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Mai nhận định: “Những quy định mới của Nghị định 185/2013/NĐ-CP sẽ tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và các hành vi vi phạm pháp luật khác trong hoạt động thương mại, góp phần bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng và lợi ích xã hội”.
Hà Duy