Thể thao

Thể thao cộng đồng

Đội tuyển Việt Nam đã đến ngưỡng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc đội tuyển Việt Nam chưa có điểm sau 4 lượt trận tại vòng loại World Cup 2022 có thể được nhận định là do trình độ cầu thủ đã chạm ngưỡng.
 
Đội tuyển Việt Nam thua để biết mình đang ở đâu. Ảnh: VFF
Sau 4 lượt trận, đội tuyển Việt Nam chưa có điểm và để thủng lưới tới 10 bàn. Điều này đã chỉ ra những hạn chế của bóng đá Việt khi ra sân chơi châu lục. Nhiều ý kiến cho rằng huấn luyện viên Park Hang-seo bảo thủ trong chiến thuật. Còn người có chuyên môn lại nhìn ra rằng cầu thủ Việt Nam dường như đạt đến ngưỡng. 
Vòng loại cuối World Cup 2022 được xem là giải đấu lớn nhất mà bóng đá Việt Nam tham dự từ khi hội nhập trở lại năm 1995. Đội tuyển Việt Nam chưa thắng bất kỳ đối thủ nào tại bảng B trong các cuộc đối đầu quá khứ. Việc đòi hỏi thành tích ở một đội bóng lần đầu tham dự, xếp ở nhóm hạt giống cuối cùng là yêu cầu có phần phi lý. 
 
Huấn luyện viên Park Hang-seo đã mang đến cho bóng đá Việt Nam những thành công. Ảnh: Hoài Thu
Trình độ và đẳng cấp tầm châu lục không phải là điều dễ dàng có được trong thời gian ngắn. Đội tuyển Nhật Bản từng mất quãng thời gian khoảng hơn 30 năm để có được thành tích tại sân chơi Châu Á như hiện tại. 
Ông Akira - Giám đốc kỹ thuật VFF khi vừa đến Việt Nam thời điểm năm 2019, chia sẻ: "Ở bất kỳ nền bóng đá nào, việc đào tạo cầu thủ trẻ và tạo ra một cái nền rất quan trọng. Nó không có tác dụng ngay lên trình độ bóng đá nước đó. Nhưng về lâu dài, thể chất cùng kỹ thuật được thúc đẩy, cải thiện qua nhiều thế hệ.
Bóng đá Nhật Bản từng trải qua quá trình xây dựng và cải thiện về thể chất lẫn trình độ mới có được thành tựu như ngày hôm nay. Chúng tôi đã phải học hỏi rất nhiều qua nhiều năm”. 
 
Quang Hải được báo chí nước ngoài đánh giá rất cao nhưng việc vẫn chỉ thi đấu trong nước đang làm cầu thủ này không thể phát triển hơn. Ảnh: Hoài Thu
Việc bóng đá Việt Nam và huấn luyện viên Park Hang-seo đạt được những thành tích trong 4 năm qua khiến sự kỳ vọng của người hâm mộ tăng lên. Kéo theo đó là những đòi hỏi phi lý về mặt thành tích.
Nên nhớ rằng, danh hiệu mà bóng đá Việt Nam đạt được dưới thời ông Park (AFF Cup 2018, huy chương vàng SEA Games 2019) đều ở tầm khu vực. Trong khi đó, thành tích á quân U23 Châu Á 2018 ở cấp độ U23. 
Tại các giải đấu như ASIAD và U23 Châu Á mà Việt Nam tham dự, các nền bóng đá mạnh tại Châu Á như Australia, Nhật Bản… đều không thực sự chú trọng. Một cầu thủ giấu tên từng chia sẻ: “Trình độ họ khác biệt so với Việt Nam lắm. Ở độ tuổi 19, 20 họ có thể kém hơn nhưng khi 23, 24 tuổi, chúng ta không còn là đối thủ của họ”.
 
Chênh lệch đẳng cấp và trình độ là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2022. Ảnh: Hoài Thu
Trong khi đó, cầu thủ Việt chỉ luôn dự bị khi ra nước ngoài thi đấu. Bởi họ chưa có đẳng cấp tương đồng, vượt trội hơn so với cầu thủ của các giải đấu như ở Nhật Bản, Hàn Quốc và thậm chí là Thái Lan. 
Đẳng cấp, trình độ và tư duy chơi bóng không dễ gì san lấp được. Từng bước nâng cao công tác đào tạo trẻ, phát triển thể chất, tư duy, nâng cấp giải vô địch quốc nội, đưa cầu thủ ra nước ngoài thi đấu 1 cách đúng nghĩa... Đó là hàng loạt vấn đề đã được các chuyên gia chỉ ra. Nhưng để thay đổi là câu chuyện của tương lai. 
Còn hiện tại, thay vì tìm lỗi lầm, bóng đá Việt cần biết mình đang đứng ở đâu để bắt đầu thay đổi vượt qua cái ngưỡng hiện tại. 
HOÀI THU (LĐO)
https://laodong.vn/bong-da/doi-tuyen-viet-nam-da-den-nguong-964704.ldo

Có thể bạn quan tâm