Lúc chúng tôi đến thăm nhà, ông Ksor Hyao (làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) vừa đi làm rẫy về. Vừa nhanh tay ôm mớ cỏ bỏ vào chuồng cho bò ăn, ông chia sẻ: “Trước đây, gia đình chỉ biết trông vào mấy sào lúa, bắp. Năm 2021, tôi vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) để đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó, kinh tế gia đình đã ổn định”.
Ông Ksor Hyao (làng Breng 3, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) được vay vốn ưu đãi để đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất. Ảnh: H.D |
Hiện nay, gia đình ông Hyao canh tác 1 ha cà phê, 4 sào lúa 2 vụ và nuôi 3 con bò. Mỗi năm, sau khi trừ hết các khoản chi phí, gia đình ông thu về khoảng 100 triệu đồng. “Đến nay, gia đình tôi đã mua sắm xe tải nhỏ, xe máy và máy phun thuốc cho cà phê”-ông Hyao cho hay.
Cùng với số tiền 44 triệu đồng được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chị Kpuih Vị (làng Lang, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) đã vay thêm 40 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để xây dựng căn nhà rộng rãi, khang trang.
Chị Vị tâm sự: “Sau khi lập gia đình, tôi vẫn sống chung với bố mẹ. Trong nhà bố mẹ còn có cả gia đình chị gái nữa. Cả 3 gia đình với 10 người phải sống trong căn nhà vài chục mét vuông, rất chật chội. Căn nhà đã xuống cấp, mỗi khi trời mưa là dột khắp nơi. May mắn là tôi được hỗ trợ cũng như vay vốn ưu đãi để xây dựng căn nhà mới”.
Căn nhà mới đang xây của chị Kpuih Vị (làng Lang, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ) nằm bên cạnh căn nhà cũ, dột nát của bố mẹ. Ảnh: Hà Duy |
Chương trình tín dụng ưu đãi đặc thù đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được Ngân hàng CSXH tích cực triển khai nhằm nhanh chóng đưa nguồn vốn đến đối tượng thụ hưởng. Mục tiêu của chương trình là giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh số cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Grai đạt trên 85 tỷ đồng với hơn 1.900 lượt hộ vay, trong đó có trên 700 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; 287 người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; xây dựng, sửa chữa 719 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đạt chuẩn quốc gia. Ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH huyện-cho biết: Từ nay đến cuối năm, UBND huyện cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng nhằm bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Từ năm 2022 đến nay, tổng dư nợ cho vay theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đạt hơn 100 tỷ đồng với khoảng hơn 2.200 hộ dư nợ. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được Ngân hàng CSXH giải ngân kịp thời để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giúp người dân chuyển đổi nghề, làm nhà ở.