Kinh tế

Đòn bẩy từ tín dụng nông nghiệp nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh, doanh số cho vay nông nghiệp, nông thôn (NNNT) trong 5 năm (2010-2014) là 74.169 tỷ đồng, bình quân mỗi năm doanh số cho vay đạt 14.834 tỷ đồng với hơn 1,3 triệu lượt khách hàng vay vốn. Doanh số thu nợ trong 5 năm là 61.597 tỷ đồng.

Ảnh: Xuân Hoàng

Quá trình thực hiện tín dụng NNNT theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ với các cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế vay vốn đầu tư vào lĩnh vực NNNT, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, trong đó tập trung chủ yếu phát triển cây công nghiệp chủ lực của địa phương như trồng, chăm sóc, chế biến cà phê, cao su, hồ tiêu... Nhờ có vốn, nông dân cũng như doanh nghiệp đã đầu tư phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao. Các mô hình sản xuất kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi được hình thành.

Ngoài ra, vốn ngân hàng còn đầu tư cho việc mua sắm máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất, vận chuyển hàng hóa, phát triển hạ tầng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực. Đầu tư tín dụng NNNT đã phát huy tích cực vai trò tự chủ của kinh tế hộ, đồng thời tạo điều kiện và khuyến khích phát triển các hình thức kinh tế hợp tác, chủ yếu là các khâu dịch vụ cho sản xuất ở đầu vào như vốn, vật tư... và ở đầu ra như tiêu thụ, chế biến sản phẩm.

 

Nông dân xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) chăm sóc cây hồ tiêu. Ảnh: Đức Thụy

Nếu như cuối năm 2010, dư nợ tín dụng khu vực NNNT chỉ đạt 7.221 tỷ đồng (chiếm 32,2% tổng dư nợ) thì đến nay con số này đã gần 19.000 tỷ đồng (chiếm 46,6% tổng dư nợ). Quy mô tín dụng tăng gấp 2,6 lần, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 27,2%. Từ 186.586 khách hàng còn dư nợ cuối năm 2010 thì đến nay đã có 220.707 khách hàng còn dư nợ (tăng 34.121 khách hàng). Tốc độ tăng trưởng tín dụng và tốc độ quay vòng vốn  nhanh chứng tỏ vốn ngân hàng được nông dân và doanh nghiệp vùng nông thôn sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả cao, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 27,56% năm 2011 (79.417 hộ nghèo) xuống còn 13,96% cuối năm 2014 (44.164 hộ). Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 3,4%. Không những thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu.
 

Đến nay, tất cả các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đều tham gia lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, trong đó dư nợ chủ yếu tập trung tại Chi nhánh Agribank Gia Lai (với dư nợ lớn nhất gần 9.600 tỷ đồng), BIDV Nam Gia Lai (2.473 tỷ đồng) và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Gia Lai (2.121 tỷ đồng)...

Tuy nhiên, đầu tư cho NNNT chi phí lớn do các món cho vay nhỏ lẻ, phân tán, lượng khách hàng đông, địa bàn trải rộng. Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, giá cả hàng nông sản không ổn định nên gặp nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, tài sản thế chấp liên quan đến quyền sử dụng đất của khách hàng thường bao gồm giá trị quyền sử dụng đất và giá trị các tài sản được hình thành gắn liền trên đất như nhà ở, các công trình xây dựng phục vụ cho nông nghiệp, vườn cây. Song, thực tế ở nông thôn chỉ thực hiện cấp quyền sử dụng đất còn quyền sở hữu nhà ở, các tài sản khác gắn liền với đất chưa được công nhận nên việc nhận thế chấp giá trị các tài sản gắn liền với đất để cho vay vốn chưa có cơ sở pháp lý, khi phát sinh nợ xấu ngân hàng khó xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Ranh giới nông thôn còn ảnh hưởng nhiều đến quá trình đầu tư tín dụng của các ngân hàng thương mại.

Liên quan đến vấn đề này, theo ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Chi nhánh Agribank Gia Lai, khái niệm nông thôn là phần thuộc xã, còn hộ ở thị trấn, hộ ở phường cũng không thuộc đối tượng được hưởng các ưu đãi theo Nghị định 41. Cũng theo ông Thu, không chỉ các hộ làm nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa mới được hưởng, đã là sản xuất nông nghiệp phải nên mở rộng đối tượng, điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tế.

Thảo Nguyên

Có thể bạn quan tâm