(GLO)- 10 năm tăng cường xây dựng cơ sở cũng chừng ấy thời gian những người lính ở Đội Công tác 400 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Chư Pah) đón Tết với làng. Song có lẽ, Tết ở làng sẽ chẳng giống bất cứ một cái Tết nào trước đó của mỗi người. Và Xuân này, trong niềm hân hoan của ngày hoàn thành nhiệm vụ, họ lại thấy luyến lưu với nơi mình đã sống, gắn bó nhiều năm qua.
10 năm ân tình
10 năm là khoảng thời gian đủ dài để những người lính trong Đội Công tác 400 cùng trải nghiệm với người dân ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó họ gắn bó với người dân xã Ia Khươl (huyện Chư Pah) lâu nhất-8 năm. Bước đầu “chập chững” với công việc, địa bàn mới, ngôn ngữ, phong tục tập quán mới… đã khiến những người lính 400 gặp rất nhiều gian khó và thiếu thốn. Nhưng bằng tinh thần, trách nhiệm của người lính luôn nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, họ luôn trăn trở phải làm thế nào để tuyên truyền, vận động người dân bản địa thay đổi những nếp nghĩ xưa cũ vốn đã ăn sâu trong tiềm thức.
Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Hùng Vương (Binh đoàn Tây Nguyên) chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Ảnh: Nguyễn Dung |
Trung tá Nguyễn Văn Dũng- Đội trưởng Đội Công tác 400, nhớ lại: Khi Đội được điều động về tăng cường tại địa bàn xã Ia Khươl (huyện Chư Pah), tình hình an ninh chính trị tại địa bàn rất phức tạp, hệ thống chính trị yếu kém, FULRO vẫn lén lút hoạt động, trong khi một số cán bộ thôn làng thời điểm đó còn bị các thế lực thù địch khống chế, không phát huy được chức năng, nhiệm vụ của mình. Khó khăn chất chồng, trong khi hầu hết anh em trong Đội lại chưa có kinh nghiệm, ngôn ngữ thì bất đồng khiến việc giao tiếp giữa cán bộ với dân như có rào cản. Và để “lấp đầy” khoảng trống ấy, toàn Đội xác định: Cần phải nói, nghe thành thạo tiếng địa phương bằng cách tăng cường bám làng, bám dân và giao tiếp nhiều để tự bổ sung kiến thức. Cứ thế, người biết nhiều chỉ dẫn cho người biết ít và không lâu sau, 100% cán bộ, đội viên đã “nghe được dân nói và nói dân hiểu”.
Và khi rào cản được tháo gỡ, họ đã truyền tải đến người dân những thông điệp cần thiết về cải tạo vườn tạp, xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi, quy hoạch vườn, xây dựng tường rào quanh khu vực nhà ở… Đặc biệt, các chiến sĩ còn trực tiếp xuống ruộng, lên nương rẫy lao động giúp dân với hàng ngàn ngày công và tham gia vận động học sinh bỏ học trở lại lớp, tổ chức khám-chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho dân. Chưa hết, cán bộ, đội viên trong Đội còn tự nguyện đóng góp tiền, gạo, áo quần để tặng cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã. Dù không dễ dàng, song những nỗ lực của người lính 400 đã được đền đáp xứng đáng.
Nói về bộ đội 400, Trưởng thôn Rơ Châm Kok, làng Rơ Wai, bộc bạch: “Trước kia chưa có bộ đội 400, dân làng mình nghèo lắm! Đất đai rộng nhưng người dân chỉ trồng toàn cà phê mít, không đầu tư nên năng suất đạt thấp. Từ khi được bộ đội tuyên truyền, vận động, người dân đã nghe và từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trên chính diện tích vườn cây nhà mình. Hiện làng Rơ Wai có 116 hộ dân thì chỉ còn 30 hộ nghèo, những hộ có thu nhập từ 50 triệu đồng trở lên chiếm hơn 50%, chủ yếu là từ cây bời lời, cà phê, cây lúa…
Các điểm trường mầm non đã được đầu tư xây dựng đến từng làng nên không còn chuyện trẻ em trong độ tuổi đến trường nghỉ học… Bản thân gia đình Trưởng thôn Kok, ban đầu cũng suy nghĩ con cái lớn rồi thì nên nghỉ học ở nhà làm rẫy, bắt chồng, bắt vợ. Nhờ có bộ đội mà con mình giờ một đứa đã tốt nghiệp Cao đẳng Địa chính, một đang học Trung học phổ thông và rồi đây chúng sẽ về phục vụ thôn, làng”.
Tết… làng
10 năm làm công tác tăng cường cơ sở cũng đồng nghĩa với từng ấy thời gian cán bộ, đội viên Đội Công tác 400 đón Tết cùng dân làng. Và đã thành thông lệ, cứ đến giáp Tết, Đội đều tổ chức cho thanh niên, phụ nữ trong làng lên rừng chuẩn bị lá dong, lạt về gói bánh chưng tập thể để mọi người trong làng cùng tham gia. Người biết gói chỉ cho người chưa biết, không quan trọng chuyện đẹp-xấu, dần dần những chiếc bánh chưng được xếp ngay ngắn vào trong một chiếc nồi lớn. Tối đến, thanh niên trong làng tập hợp lại cùng nhau nấu bánh chưng, vui ca hát và chờ đón những chiếc bánh đầu tiên.
Theo Trung tá Dũng thì ban đầu, người dân trong làng chưa quen với việc đón Tết Nguyên đán, song từ ngày có bộ đội đóng quân ở làng, họ cũng học tập theo. Năm nào Đội cũng gói từ 20 kg đến 30 kg gạo nếp, sau đó đem cho mỗi gia đình một chiếc để cùng chia vui với người lính trong ngày đầu xuân năm mới. Riêng đêm Giao thừa, Đội tổ chức cho người dân trong các làng tập trung tại nhà rông và đón thời khắc chuyển giao thiêng liêng nhất giữa năm cũ và năm mới theo đúng “hơi thở” của làng: cùng uống rượu, đốt lửa trại, đánh cồng chiêng và ca hát. Cứ thế, nếp sinh hoạt, sự hòa đồng của người lính 400 đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong cộng đồng và chẳng biết từ khi nào việc đón Tết Nguyên đán với người dân trong làng cũng dần đi vào nếp.
…Tết này, họ-những cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác 400-sẽ rút quân và không đón Tết dưới làng cùng người dân. Song, 10 năm qua sẽ mãi là khoảng ký ức đẹp trong mỗi cán bộ, chiến sĩ Đội Công tác địa bàn 400. Rồi đây, mỗi người sẽ đến với đơn vị mới, nhiệm vụ mới nhưng chúng tôi tin rằng, họ sẽ rất nhớ những cái Tết làng nơi đây!
Phương Dung